Nhà văn Hàn Quốc Jeong You Jeong: Tôi tự đặt mình trước bờ vực thẳm

ANTĐ - Được bạn đọc Việt Nam biết đến qua tiểu thuyết “7 năm bóng tối” - cuốn sách đã bán được 400.000 bản tại Hàn Quốc - nhà văn Jeong You Jeong vừa đến Việt Nam và có những buổi giao lưu với bạn đọc tại Hà Nội, TP.HCM. Con đường viết lách của Jeong You Jeong là một hành trình quyết liệt, gợi ra những điều đáng suy ngẫm cho những ai có tham vọng theo nghiệp văn chương.

Nhà văn Hàn Quốc Jeong You Jeong: Tôi tự đặt mình trước bờ vực thẳm ảnh 1  Nhà văn Jeong You Jeong  và bìa cuốn sách “7 năm bóng tối”

- PV: Thưa nhà văn Jeong You Jeong, “7 năm bóng tối” ngay sau khi ra mắt ở Hàn Quốc đã trở thành sách bán chạy, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Đức, Pháp, Trung Quốc và bây giờ là Việt Nam. Chị bắt đầu viết tiểu thuyết này như thế nào?

- Nhà văn Jeong You Jeong: Đó là tác phẩm thứ ba của tôi. Tôi viết “7 năm bóng tối” từ một câu chuyện có thật ở Hàn Quốc. Thủ phạm và nạn nhân đều sống trong khu chung cư mà tôi đang ở. Trước khi bắt tay viết, tôi cũng đã đến cả 2 gia đình để tìm hiểu và thấy rằng người đàn ông gây tai nạn rồi giết người đã là một người chồng, người cha tuyệt vời. Còn đứa trẻ bị hại là nạn nhân của những vụ bạo hành trong gia đình…

Nhà văn Hàn Quốc Jeong You Jeong: Tôi tự đặt mình trước bờ vực thẳm ảnh 2

- Vì sao chị lại quyết định chuyển sang viết văn khi đã qua tuổi 40 và trải qua 14 năm làm việc trong ngành y tế?

- Ở Hàn Quốc, nhiều người cũng đã hỏi tôi điều này. Với tư cách một nhà văn, cuộc đời tôi là câu trả lời cho 3 câu hỏi: Cái gì? Tại sao? Như thế nào? Hồi nhỏ, những người lớn tuổi hỏi ước mơ của tôi là “Cái gì?”. Khi ấy, không chút lưỡng lự, tôi đã trả lời là muốn trở thành một nhà văn. Có điều, nếu như hỏi “Tại sao?” lại muốn trở thành nhà văn, thì tôi lại không có câu trả lời. Tôi còn nhớ, năm 15 tuổi, khi tôi và em trai vừa đi trọ học tại Gwangju thì xảy ra sự kiện “Phong trào dân chủ Gwangju”.

Hôm đó, ở nhà trọ chỉ còn lại 2 chị em. Đêm càng khuya, tiếng súng càng dữ dội. Dù cố gắng đến đâu đi nữa, tôi vẫn không sao ngủ được. Nghĩ mãi, cuối cùng, tôi bèn chọn một cuốn sách khá dày - “Bay qua tổ chim cúc cu” (tác giả Ken Kesey). Tôi nghĩ đọc khoảng 5-6 trang dày đặc những dòng chữ nhỏ xíu kia rồi sẽ ngủ thôi, nhưng hóa ra không phải vậy. Không biết từ lúc nào, tôi tỉnh hẳn ngủ và đọc tới tận trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết. Gập sách lại, tôi chìm trong cảm giác chấn động dị thường. Lần đầu tiên kể từ khi sinh ra, tôi đã biết ôm một tham vọng của đời mình - tôi cũng muốn kể cho thế gian nghe những câu chuyện có thể đem lại cho người đọc niềm cảm động sâu sắc và sự chấn động dữ dội như thế này.


- Nhưng nghe nói, mẹ chị đã không muốn chị trở thành nhà văn?

- Đúng vậy. Tôi đã phải đi con đường vòng khá xa. Mẹ không cho phép tôi học chuyên ngành văn học. Cũng là tại người cậu yểu mệnh của tôi học ngành văn. Sợ ngộ nhỡ con gái mình rồi cũng ra nông nỗi như vậy, mẹ tôi sống chết phản đối việc tôi vào Khoa Văn học Hàn Quốc. Mẹ bắt tôi vào trường Đại học Điều dưỡng, chẳng còn cách nào khác, tôi đành trở thành y tá… Rồi khi kết hôn, tôi đã giao hẹn với ông xã rằng, khi nào mua được nhà, tôi sẽ nghỉ việc và sống cuộc đời của chính mình. Và thực tế đúng như vậy. Tôi viết đơn xin nghỉ việc sau khi kết hôn được tròn 6 năm.  

Lúc đó, những người quen, những đồng nghiệp của tôi đều ra sức ngăn cản. Họ bảo vừa đi làm, vừa viết văn không được hay sao? Nhưng tôi thì nghĩ khác, nếu định trở thành nhà văn trên văn đàn Hàn Quốc thì phải trải qua quá trình “đăng đàn”. Muốn vậy, cần phải đoạt được giải thưởng ở một cuộc thi tài. Đó là cửa ải khét tiếng đúng kiểu Hàn Quốc, còn khó khăn hơn cả cho con voi chui lọt lỗ kim. Để vượt qua được cửa ải đó, một người không học hành gì về văn chương như tôi rõ ràng là phải trải qua quá trình cực kỳ gian khổ. Chừng nào còn có nghề nghiệp ổn định cả về mặt xã hội lẫn kinh tế thì khả năng chùn bước trước sự gian khổ đó là rất lớn. 

- Sau đó thì sao, thưa chị?

- Trong vòng 6 năm sau, đúng như dự tính, thất bại và tuyệt vọng cứ theo tôi hết lần này đến lần khác. Mỗi ngày, mỗi giây phút tôi đều bị hành hạ bởi suy nghĩ thất bại và nỗi sợ hãi: “Chẳng lẽ mình cứ quỵ ngã như thế này sao?”. Đó là những năm tháng chịu đựng chứ không phải là sống cho ra hồn nữa. Và đó cũng là quãng thời gian mà nếu như có nơi nào đó để quay về, có lẽ tôi cũng đã bỏ cuộc vì không thể nào cầm cự được. Năm 2007 và 2009, cuối cùng tôi cũng đã giành liền 2 giải thưởng văn học và đăng đàn. Vậy là coi như cái “thế giới hà tiện” kia cũng đã dành cho tôi một sân khấu - nơi tôi có thể mặc sức mà “kể chuyện”. “7 năm bóng tối” là tác phẩm đầu tiên tôi thể hiện câu chuyện theo cách riêng của mình trên sân khấu mang tên cuộc đời mà bấy lâu tôi hằng mong đợi.