Nhà sản xuất thông minh
(ANTĐ) - Cổ động cho hàng Việt xâm nhập thị trường nội địa, các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra thông điệp “Hãy là người tiêu dùng thông minh”. Thông điệp này đúng, song chưa đủ. Bởi lựa chọn hàng Việt là thông minh thì mặt hàng, sản phẩm ấy, nhất định cũng phải được sản xuất bởi những doanh nghiệp thông minh.
Người tiêu dùng thông minh sẽ lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý và mẫu mã đẹp. Hàng Việt Nam đã đáp ứng đủ những tiêu chuẩn ấy chưa? Có lẽ, chỉ có 50% tiêu chí ấy hàng Việt Nam đáp ứng được. Đó là chất lượng và an toàn đối với người sử dụng. Mẫu mã và giá cả vẫn là nỗi băn khoăn lớn với người tiêu dùng, cũng là thách thức của doanh nghiệp trong nước.
Không ít doanh nghiệp than rằng, tiếp cận thị trường nội địa rất khó, bởi tâm lý người tiêu dùng trong nước hoặc sính hàng ngoại giá cao, chất lượng tốt, hoặc một bộ phận đặt tiêu chí giá rẻ lên hàng đầu. Điều này dường như chưa sát thực tế. Tại hội chợ hàng Thái Lan vừa diễn ra tại Hà Nội, không ít người tiêu dùng Việt nô nức đến mua sắm. Không hẳn vì lý do hàng Thái Lan rẻ hơn, chất lượng tốt hơn mà vì sản phẩm của họ “chỉ cầm thôi đã thấy tin tưởng. Chiếc bát, chiếc đĩa vẫn có hoa văn như hàng Việt, nhưng không có gờ sắc cạnh. Chiếc túi vẫn bằng chất liệu vải lụa, nhưng đường may rõ nét” - một người tiêu dùng đánh giá như vậy.
Nghiên cứu thị trường, lắng nghe người tiêu dùng là cách thức để doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà sản xuất thông minh. Họ sẽ biết người tiêu dùng cần gì, sản phẩm cao cấp, đắt tiền; hàng chất lượng cao, giá rẻ hay những yêu cầu rất bình dân và chính đáng? Trao đổi với chúng tôi về khả năng tiếp cận thị trường nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Võ Văn Quyền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương thẳng thắn: “Không thể đem một chiếc áo được may bởi số đo chuẩn của người châu Âu về phục vụ người Việt Nam. Vóc người Việt Nam nhỏ hơn và cần có số đo khác”. Khách hàng không muốn lựa chọn một chiếc áo chất lượng tốt nhưng rộng thùng thình, cũng giống như không muốn chọn một chiếc bát chất lượng tương tự nhưng hình thức thua kém. Chắc chắn, sự thay đổi cho phù hợp này không quá khó đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nhà sản xuất thông minh là nhà sản xuất biết đưa ra những sản phẩm thị trường cần và đáp ứng tối ưu những yêu cầu cơ bản.
Sẵn có lợi thế “sân nhà”, am tường về văn hóa, tâm lý, nhu cầu của khách hàng, được các cơ quan quản lý ủng hộ, sản phẩm có chất lượng tốt, các nhà sản xuất sẽ trở thành nhà sản xuất thông minh nếu quan tâm hơn đến những chi tiết nhỏ trên sản phẩm. Khi ấy, người tiêu dùng thông minh sẽ tự nguyện tìm đến và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Thanh Hoàn