Nhà cho người thu nhập thấp: Vẫn trong mơ!
(ANTĐ) - Hà Nội mỗi năm xây dựng mới hàng triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại song thực tế là hầu như không có người thu nhập thấp nào mua được nhà ở. Nạn đầu cơ, mua đi bán lại lòng vòng đã khiến giá nhà ở bị đẩy lên quá cao, vượt xa khỏi tầm với của người làm công ăn lương, có thu nhập thấp.
80% dân số không có khả năng mua căn hộ
Nói về khả năng mua được nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... ông Nguyễn Trường Tiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội cho biết, có tới 80% dân số Việt Nam hiện không có khả năng mua căn hộ vì giá quá cao. Ông Nguyễn Trường Tiến nói: “Các dự án nhà ở cao tầng đạt lợi nhuận đến 400-500%, trong khi lợi nhuận hợp lý là khoảng 30%. Tại dự án HoangAnh River View, TP Hồ Chí Minh có chi phí 832 tỷ VNĐ nhưng đạt doanh thu 5.017 tỷ đồng, lợi nhuận 4.113 tỷ đồng.” Không chỉ có giá nhà cao, nạn đầu cơ cũng góp phần đẩy giá nhà leo thang. Các chuyên gia cho biết, khoảng 80% các nhà đầu tư bất động sản chỉ chuyên mua đi bán lại dự án, căn hộ, biệt thự.
Nhà xây cho người thu nhập thấp nhưng không phải ai cũng đủ tiền trả |
Trả lời câu hỏi tại sao giá bất động sản ở các đô thị lớn của Việt Nam quá cao so với thu nhập của người dân, TS. Nguyễn Quang, đại diện chương trình định cư con người của Liên hợp quốc cho rằng, có 2 nguyên nhân, thứ nhất là Nhà nước độc quyền ở thị trường sơ cấp (thị trường quyền sử dụng đất) và quy hoạch. Sự không tường minh trong việc cấp đất, giao đất và lập, duyệt, điều chỉnh quy hoạch khiến cho chi phí của nhà đầu tư muốn có đất bị đẩy lên rất cao.
Thứ hai, giá cao là do mức kỳ vọng (giá đầu cơ) lớn. TS. Nguyễn Quang nói: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng 30% người mua nhà mà không ở đã là tín hiệu không tốt cho thị trường, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này có thể gấp đôi thậm chí gấp ba”. Cũng theo TS. Nguyễn Quang, Liên hợp quốc đã từng đưa ra tính toán mang tính thông lệ, giá một ngôi nhà (trung bình) = 25% thu nhập bình quân x 15 năm công tác + lãi suất ngân hàng. Cứ với công thức này, người làm công ăn lương bình thường chỉ có khoảng 300-400 triệu đồng dành cho việc mua nhà sau 15 năm “cày kéo” và tằn tiện. Đáng tiếc, ở Hà Nội hiện nay không có loại nhà nào có giá như vậy!
Trách nhiệm của Nhà nước
Cũng theo ý kiến các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang bị bóp méo bởi thiếu vai trò điều tiết của Nhà nước trong quy hoạch, thuế và các công cụ phát triển khác. Theo các chuyên gia, Nhà nước, với vai trò điều tiết thị trường, để các đối tượng thu nhập thấp có thể “chạm” vào các căn hộ, cần phải thực hiện ngay 3 việc. Thứ nhất, cần phải thay đổi cơ chế giao đất.
Thứ hai, phải đánh thuế thật nặng đối với những trường hợp đầu cơ bất động sản. Thứ ba, Nhà nước dùng thuế cao thu được để đầu tư lại cho hạ tầng và xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Theo TS. Nguyễn Quang, ở Thái Lan, bên cạnh những khu căn hộ cực kỳ cao cấp, có đẳng cấp quốc tế thì cũng có những loại nhà chỉ có 15.000 USD/căn, tức là phải đa dạng các loại hàng hóa trên thị trường bất động sản để phục vụ nhiều đối tượng.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Nhà nước sẽ bỏ tiền ra đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công nhân, viên chức làm công ăn lương mua trả góp hoặc thuê dài hạn. Mục tiêu đặt ra là giải quyết được nhu cầu nhà ở cho khoảng 1,2 triệu người. |
Quan trọng hơn, Nhà nước, mà đại diện là chính quyền các địa phương phải xác định, phát triển nhà cho người thu nhập thấp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Không ai khác mà chính Nhà nước phải có trách nhiệm với đối tượng này dù chính sách “bao cấp về nhà ở” đã chấm dứt từ lâu. Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề án tạo quỹ nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Theo đó, Nhà nước sẽ dành 10-15% quỹ nhà xây mới hàng năm để bán cho đối tượng có thu nhập thấp với giá phù hợp.
Các dự án đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất và ưu đãi thuế ở mức ưu đãi đặc biệt. Tổng kinh phí để thực hiện đề án khoảng 35.000 tỷ đồng. Đô thị loại ba trở lên, có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 75%, mật độ dân số bình quân từ 8.000 người/km2, quy mô dân số từ 10 vạn người trở lên thì nhà ở xã hội phải xây dựng thành chung cư với diện tích sàn mỗi căn hộ tối đa 60m2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân các khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị đề án để trình Chính phủ vào tháng 6-2008.
Tuy nhiên, để các dự án loại này không chỉ là “bánh vẽ”, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng), trách nhiệm của các địa phương là rất lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hà nói: “Thực hiện được hay không thì vẫn phải chờ quyết tâm của các địa phương chứ chỉ trông chờ Trung ương thì rất khó”.
Chính Trung