Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người giương cao ngọn cờ cải cách kinh tế để hội nhập

ANTD.VN - Cẩn trọng, bình dị, luôn lắng nghe mọi ý kiến một cách cầu thị nhưng lại vô cùng quyết liệt trong đổi mới thể chế để đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Đó là những dấu ấn mà cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại trong thời gian công tác của mình.

Bước chuyển mình căn bản của thể chế kinh tế

Người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được hoặc không muốn làm; Nhà nước chuyển cách quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tổ chức sự quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch… 

Đây là những điểm nhấn quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 1999 (có hiệu lực từ 1/1/2000) dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải. Đây được coi là những đột phá lớn về đổi mới thể chế, đổi mới cung cách điều hành phát triển đất nước, đặt dấu mốc quan trọng cho phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế.

Để ra đời Luật này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo thành lập Tổ soạn thảo, gồm những người có tư duy đổi mới mạnh mẽ, đứng đầu là ông Trần Xuân Giá, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Đây cũng là lần đầu tiên đại diện cộng đồng doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) được Chính phủ mời tham gia soạn thảo luật.

Với những quan điểm đổi mới của Luật Doanh nghiệp như trên, việc được Quốc hội thông qua không dễ dàng gì, do nhiều cán bộ lãnh đạo ở các ngành và địa phương chưa thoát khỏi nếp nghĩ theo cách quản lý Nhà nước cũ. Nhưng với sự quyết tâm, kiên trì giải trình của Chính phủ, ngày 29/5/1999, Quốc hội đã thông qua toàn văn Luật này, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tạo lập môi trường kinh doanh theo kinh tế thị trường.

“Cởi trói” cho kinh tế tư nhân

Thông qua Luật đã có, thực thi luật cũng khó muôn phần. Xác định điều đó nên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong triển khai.

Sau khi Luật có hiệu lực chưa đầy 2 tháng, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng lập tức ký quyết định thành lập Tổ thi hành Luật do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đau đáu việc "cởi trói" cho kinh tế tư nhân

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổ này là rà soát để xóa bỏ những giấy phép “con” không phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Nhờ sự hoạt động năng nổ, quyết liệt của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp, chỉ sau 2 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định hủy 268 giấy phép “con”, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép lúc bấy giờ để cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân.

Dù Chính phủ quyết liệt nhưng quá trình “xóa rào cản”, “cởi trói” cho kinh tế tư nhân gặp vô vàn khó khăn. Mà khó khăn lớn nhất đến từ những lực lượng bảo thủ, ngại đổi mới, lợi ích nhóm… Vì, việc xóa bỏ các giấy phép “con” thời bấy giờ đã đánh mạnh vào nguồn thu của các Bộ ngành.

Cùng với việc ban hành Luật Doanh nghiệp 1999, trong những năm từ 2001 đến 2005, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung nhiều luật quan trọng khác về kinh tế như Luật Đất đai, Luật về Ngân hàng và Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, các luật thuế… Đồng thời cho ra đời một số luật, pháp lệnh mới như Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh về chống bán phá giá…

Những văn bản luật này không chỉ để tương thích với Luật Doanh nghiệp, mà còn nhằm đón đầu những nguyên tắc cơ bản của WTO, chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng.

Thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập quốc tế

Một dấu ấn không thể phủ nhận của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đó là ông đã có những đóng góp quan trọng cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế. Nếu như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có công đưa Việt Nam tham gia ASEAN và Khu vực mậu dịch tự do AFTA, thì dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam đã hoàn tất được Hiệp định Thương mại song phương BTA với Mỹ.

Ai cũng biết để tham gia được WTO thì Việt Nam phải vượt qua trở lực lớn nhất là Mỹ, vì vậy ký kết được BTA có ý nghĩa rất lớn. Đây chính là cột mốc rất lớn mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm được.

Ngày 13-9-1999, tại buổi dạ yến nhân Hội nghị Cấp cao APEC Auckland (New Zealand) đã diễn ra cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ là Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bill Clinton. Chia sẻ những nỗi đau trong chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Clinton đã mời Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ để “hiểu chúng tôi hơn và cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”.

Đúng một năm sau, Tổng thống Clinton có chuyến thăm đến Việt Nam, ghi dấu ấn vào lịch sử là vị tổng thống đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam. Giữa năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam đến thăm chính thức Mỹ kể từ sau năm 1975. Chuyến thăm đánh dấu 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, mở ra giai đoạn phát triển mới giữa hai quốc gia trên mọi lĩnh vực.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đặt những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ

Chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư.

Ngoài đóng góp quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải còn điểm nhiều dấu ấn trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Năm 2003, Thủ tướng đã có chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản.

Cũng trong năm này, Thủ tướng New Zealand Helen Clark đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã tham dự Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan trong năm 2003. Năm 2004, Thủ tướng tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 tại Lào; Năm 2005, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 tại Malaysia...

Vị Thủ tướng thích sự thẳng thắn, không ngại nhận lỗi

"Thủ tướng Phan Văn Khải khiến người khác nể phục bởi sự thẳng thắn, không ngại nhận lỗi. Mỗi khi đăng đàn để trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng luôn đi thẳng vào vấn đề, thẳng thắn nhận lỗi của mình. Trong diễn văn từ nhiệm trước Quốc hội, Thủ tướng đã thừa nhận vấn đề tham nhũng, lãng phí còn nhức nhối... đồng thời bày tỏ lời xin lỗi đến nhân dân, Quốc hội về những khuyết điểm trên.

Thủ tướng Phan Văn Khải rất điềm đạm, luôn chú trọng lắng nghe, khuyến khích nói thẳng, nói thật. Nhiều khi trong Ban Nghiên cứu, chúng tôi nói thẳng quá nhiều vấn đề, Thủ tướng chỉ ngồi lắng nghe, đăm chiêu suy nghĩ mà không hề phản ứng gay gắt.

Nghe xong, Thủ tướng thường yêu cầu anh em tìm giải pháp mà không hề định kiến với những người nói thẳng. Vì vậy, trong Ban Nghiên cứu anh em chúng tôi cũng không ngại chuyện nói thẳng với ông".

(Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải)

Vị lãnh đạo đàng hoàng, bản lĩnh

"Có lẽ vì được đào tạo bài bản về kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov tại Moskva (Liên Xô cũ), lại trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau trước khi đứng đầu Chính phủ, nên Thủ tướng Phan Văn Khải có kinh nghiệm chuyên môn chắc chắn về kinh tế.

Bên cạnh ông lại có một bộ tham mưu là những người am hiểu sâu sắc các vấn đề kinh tế - xã hội nên những quyết sách của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông đã giúp kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế châu Á và phát triển chắc chắn.

Đối với tôi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn là vị lãnh đạo đàng hoàng và bản lĩnh. Ông không né tránh những vấn đề, những câu hỏi hóc búa hay thoái thác trách nhiệm của mình.

Bản thân tôi, khi làm đại biểu Quốc hội cũng từng chất vấn Thủ tướng một số vấn đề. Cách mà Thủ tướng đăng đàn trả lời cũng thẳng thắn và chân thực như con người của ông vậy".

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.