Nguy kịch vì tiết canh lợn

ANTĐ - Trong vòng 1 tháng qua, một số BV trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận hàng chục bệnh nhân thập tử nhất sinh chỉ bởi món tiết canh lợn.

Nhiễm sán, liên cầu

Vẫn liên tục có bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Cách đây vài ngày, Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung ương tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân 32 tuổi, ở Bắc Giang, vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Theo người nhà bệnh nhân này kể lại, trước đó 3 ngày bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, sau khi ăn ít giờ thì 2 mắt sưng to bất thường, ngứa dữ dội, nhỏ thuốc mắt không thấy đỡ, ở rìa mắt nổi lên một cục u, lúc to, lúc nhỏ.

Qua thăm khám, các bác sĩ chấn đoán bệnh nhân bị nhiễm u sán ở kết mạc vùng hốc mắt, phải phẫu thuật để lấy sán ra. Theo Ths. BS. Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng - Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung ương, tháng nào Viện cũng tiếp nhận vài chục bệnh nhân điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn, trong đó rất nhiều trường hợp có nguyên nhân nhiễm sán từ tiết canh lợn. Nhiều bệnh nhân nặng nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, động kinh, co giật...

Trong khi đó, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua đã có 5 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn rất nặng nhập viện cấp cứu. Trong những ngày đầu tháng 6 này lại tiếp tục có thêm bệnh nhân. Trường hợp mới nhất là một bệnh nhân nam, ở Hải Phòng, vào viện ngày 14-6 trong tình trạng vật vã, loạn thần, có ban hoại tử trên da. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực cho biết, bệnh nhân này bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn đã tiến triển rất nặng, vừa nhiễm trùng huyết vừa viêm màng nên điều trị hết sức khó khăn. Điểm chung của các bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn là hầu hết đều “nghiện”  tiết canh lợn, đàn ông trung tuổi mắc nhiều hơn. 

Bệnh vào từ miệng

Theo một nghiên cứu do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành năm 2010, trong tổng số 55 ca mắc liên cầu nặng phải nhập viện điều trị ở miền Bắc, hầu hết các bệnh nhân có ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với lợn/thịt lợn trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát. Số bệnh nhân đã giết mổ lợn/ăn thịt lợn tái/tiết canh là 31 trường hợp (chiếm 64,58%). Riêng ăn lợn tái/tiết canh lợn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,33%). Ngoài ra còn có một số yếu tố khác đều liên quan đến lợn như chăm sóc, chăn nuôi lợn ốm, ăn thịt lợn ốm/chết. Số tử vong xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có cả 2 yếu tố ăn thịt lợn tái/tiết canh và giết mổ lợn (6/7 trường hợp).

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn ghi nhận rải rác tất cả các tháng trong năm. Những trường hợp này có thể do tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp trong quá trình chăn nuôi, tuy nhiên phần lớn “bệnh vào từ miệng”, do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín,đặc biệt là ăn tiết canh lợn. Vì thế, để phòng bệnh, cần phải bỏ thói quen, sở thích ăn tiết canh, ăn đồ tái chưa nấu kỹ. Theo bác sĩ Cấp, bình thường nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt. Còn với đồ ăn tái, sống (tiết canh, nem chua), nếu thịt lợn có vi khuẩn liên cầu cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống vào cơ thể, có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.