Nguy cơ từ “trạm xăng mini”

ANTĐ - Đầu năm 2012 liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ cháy ô tô, xe máy bị nghi ngờ do dùng xăng “rởm”, Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo các chi cục trong cả nước mạnh tay siết chặt các hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là tình trạng mua bán xăng tự do, nơi tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ cháy nổ…

Những “cây xang mini” như thế này vẫn hiện diện trên các tuyến phố của Hà Nội 
(Ảnh chụp lúc 13h ngày 4-6-2013 tại 61 Quán Sứ)

Hầu như trên tuyến phố nào của Hà Nội cũng có những “trạm xăng mini”. Chỉ với 1 cái chai nhựa cũ đựng nước lã hòa thêm chút bột màu đặt chỏng chơ trên vỉa hè là chủ nhân của nó có thể điềm nhiên ngồi đợi khách. Việc trữ bên cạnh mình một can xăng mà không có thiết bị bảo hộ phòng cháy, cộng thêm cách đong rót thủ công cũng khiến cho việc cháy nổ thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thông thường với những khách lỡ đường, khi mua xăng vỉa hè họ sẽ phải trả thêm 5.000-10.000đ/lít so với giá niêm yết tại các cây xăng chính thống. Tuy nhiên, điều đáng bàn là xăng vỉa hè khó đảm bảo về chất lượng. Thường thì đây là xăng được mua trôi nổi trên thị trường từ các xe téc được lái xe rút ruột. Một số khác là xăng kém chất lượng nhưng được bán với giá của xăng A95. Bất chấp những văn bản của Cục Quản lý thị trường từ cách đây hơn 1 năm, hoạt động kinh doanh xăng dầu tự phát này vẫn hoạt động tràn lan, đặc biệt là ở những tuyến phố dài và cách các cây xăng khá xa như Nguyễn Văn Cừ, Thái Hà, Lạc Long Quân, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Láng… Ngoài những điểm bán xăng vỉa hè cũng cần phải nói đến các cửa hàng sửa xe máy tư nhân. Hầu hết các cửa hàng này đều trữ xăng để phục vụ cho việc sửa chữa, tẩy rửa các chi tiết động cơ. Tại đây hầu như đều không được trang bị các dụng cụ PCCC tối thiểu. 

Sau vụ cháy kinh hoàng ngày 3-6 trên phố Trần Hưng Đạo, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có một buổi khảo sát trên các tuyến phố Hà Nội về các “cây xăng mini” và nhận thấy, hầu như việc tàng trữ mua bán xăng của người dân đều hết sức cẩu thả. Đơn cử như tại một điểm sửa chữa, bơm vá xe máy kiêm bán xăng tại 61 Quán Sứ, chiếc can đựng xăng được để cách bếp lò của một quán bún vỉa hè không xa. 

Theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó phòng Cảnh sát hướng dẫn về phòng cháy, Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội thì việc kinh doanh xăng dầu tự phát như trên là bất hợp pháp và vô cùng nguy hiểm. “Xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt và nó thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào kinh doanh xăng dầu đều phải đảm bảo đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn như nơi bảo quản, thiết bị bán hàng, trang bị PCCC hay công tác huấn luyện cho nhân viên… Những năm trước, chúng tôi cũng đã phải xử lý rất nhiều các vụ cháy nổ do bất cẩn, liên quan đến người dân tàng trữ xăng dầu trong nhà để kinh doanh. Tôi cho rằng cần phải nghiêm cấm việc kinh doanh này”. 

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, để làm việc này trước hết cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý thị trường vì đứng về mặt quản lý nhà nước thì đây là trách nhiệm của họ. Tiếp theo là ngay cả bản thân chính quyền sở tại cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nếu phát hiện việc người dân tàng trữ xăng dầu trong nhà để kinh doanh thì địa phương cần xử lý ngay. Trường hợp cần thiết có thể tịch thu bởi chỉ cần 1 bất cẩn nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng tới chính họ và xung quanh. “Chúng ta đã có quá nhiều bài học về tai nạn do cháy nổ mà hậu quả có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Không thể để 1 cá nhân vì lợi nhuận nhỏ trước mắt mà đặt tất cả những người xung quanh vào vòng nguy hiểm. Chống giặc lửa nguy hiểm và gian nan nhất trong 4 đại họa của con người. Đơn giản là bởi khi đã xảy cháy thì người ta không còn thời gian và cơ hội để mà hối hận” - Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh nói.