Nguy cơ tăng sinh trở lại
(ANTĐ) - Tính đến thời điểm này, số trẻ mới sinh là con thứ 3 trong các gia đình trên phạm vi cả nước là 182.063 trẻ, tăng hơn 35% so với cùng thời điểm năm trước (tăng hơn 47.000 trẻ). Theo các chuyên gia dân số, số trẻ là con thứ 3 gia tăng là tiềm ẩn nguy cơ tăng sinh trở lại trong thời gian tới và cảnh báo công tác dân số của nước ta chưa thật ổn định và bền vững.
Kết quả thống kê tháng 3-2008 cho thấy 35/64 tỉnh, thành phố có mức sinh tăng cao so với cùng kỳ và 16/64 tỉnh, thành phố số người sinh con thứ ba tăng đột biến, trong đó tỉnh Sơn La tăng tới 57,7%. Điều đang nói là những người sinh con thứ ba hiện nay không phải chỉ có đối tượng nông dân mà đang tăng ở nhóm đối tượng công chức Nhà nước, lao động tự do... Sơ bộ thống kê cho thấy, tỉ lệ cán bộ công chức sinh con thứ ba đang tăng nhiều. Tại một xã của tỉnh Bắc Ninh có tới 74% số cán bộ đảng viên sinh con thứ ba.
Bên cạnh đó, số người sử dụng các biện pháp tránh thai giảm nghiêm trọng. Số người đặt vòng tránh thai và các biện pháp đình sản nam, nữ kể cả biện pháp cấy thuốc tránh thai cũng suy giảm đáng kể. Đến thời điểm này, số sinh năm 2008 đã vượt ngưỡng, vì vậy ngành dân số khó hoàn thành chỉ tiêu mà Quốc hội giao là giảm sinh ở mức 0,3 phần nghìn. Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc TT Thông tin DS-KHHGD: Chiến dịch đợt I thường sẽ đạt 70% kế hoạch của cả năm. Vì vậy chiến dịch thường diễn ra từ đầu năm, sau Tết, thậm chí có địa phương trước Tết là do Tết là thời gian sum họp gia đình, vợ chồng đi làm xa về gặp nhau, nếu không chủ động có biện pháp tránh thai thì rất dễ mang bầu.
Sau Tết là thời gian nghỉ ngơi, hội hè nên cũng dễ tăng mức sinh trong gia đình. Do đó việc triển khai chiến dịch đúng thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì một lý do nào đó, ở một địa phương nào đó nếu đến tận tháng 4, tháng 5 mới triển khai chiến dịch thì coi như đã muộn, phụ nữ đã mang bầu. Vì vậy công tác dân số đòi hỏi phải làm thường xuyên liên tục và không được đứt đoạn”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng dân số được xem là do sau những thành công về công tác dân số, một số nơi lãnh đạo đã thỏa mãn thành tích, lơ là không tập trung vào việc giảm sinh. Một nguyên nhân nữa là việc phân bổ ngân sách cho công tác dân số được chuyển thẳng về UBND các địa phương, chi tiêu như thế nào do UBND tỉnh đó quyết định. Không ít địa phương đã sử dụng tiền này vào việc khác và công tác dân số đã bị mờ nhạt dần dẫn đến việc tăng dân số. Thực tế cho thấy, chính quyền một số địa phương và người dân đã chủ quan và coi chuyện sinh đẻ là “vấn đề không cần quan tâm!”.
Bên cạnh đó, một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là do sự biến động về tổ chức. Kinh nghiệm cho thấy năm 2002-2003, bộ máy tổ chức cán bộ làm dân số có thay đổi (sáp nhập ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam và ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ), chiến dịch bị chững lại, và mức sinh đã tăng. Hiện tại, do chờ sắp xếp lại bộ máy tổ chức, cán bộ dân số có ý chần chờ, vừa làm vừa chờ ổn định bộ máy để kế hoạch không bị lỡ dở. Điều này có thể đã ảnh hưởng đến mức sinh, làm mức sinh có chiều hướng tăng trở lại.
Như vậy, để đảm bảo mục tiêu giảm mức sinh, chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn, bộ máy công tác DS-KHHGĐ cũng cần được sớm ổn định để cán bộ yên tâm làm việc, tuyên truyền vận động đến từng người dân.
Hà Phương