Nguy cơ ngộ độc từ sữa đậu nành đường phố

(ANTĐ) - “Hôm trước, khi đón con từ trường về, tôi thấy cháu kêu đau bụng rồi nôn thốc nôn tháo, sau đó đi ngoài liên tục. Đưa con đi khám tôi được các bác sỹ cho biết, cháu bị ngộ độc thức ăn do uống sữa đậu nành bán tại cổng trường…” - chị Vũ Bích Hạ ở phố Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội bức xúc…

Nguy cơ ngộ độc từ sữa đậu nành đường phố

(ANTĐ) - “Hôm trước, khi đón con từ trường về, tôi thấy cháu kêu đau bụng rồi nôn thốc nôn tháo, sau đó đi ngoài liên tục. Đưa con đi khám tôi được các bác sỹ cho biết, cháu bị ngộ độc thức ăn do uống sữa đậu nành bán tại cổng trường…” - chị Vũ Bích Hạ ở phố Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội bức xúc…

Sữa đậu nành bán rong được đựng trong các chai lọ không đảm bảo vệ sinh
Sữa đậu nành bán rong được đựng trong các chai lọ không đảm bảo vệ sinh

“Công nghệ”… siêu bẩn!

Qua nhiều ngày quan sát tại các quán nước cổng trường học, các quán ăn bình dân, chúng tôi không khỏi rùng mình trước “công nghệ” chế biến sữa đậu nành - một thứ đồ uống khá phổ biến trong ngày hè nóng nực. Đầu tiên là những vỏ chai nhựa, chai thủy tinh  dùng để chứa nước ngọt, rượu, thậm chí là cả nước rửa bát được các nơi chế biến sữa đậu nành thu gom, mua về qua những người thu mua.

Sau khi được súc rửa qua loa, sữa đậu nành sẽ được đổ vào những chiếc chai này và mang đi khắp nơi tiêu thụ. Thông thường, mỗi chai sữa 700ml có giá 3.500 đồng, chai nhựa chừng 1,5 lít có giá 8.000đồng. Các quán cơm, quán nước giải khát... sẽ bán lại cho khách hàng với giá 3.000đồng/cốc. Như vậy, cứ một lít sữa sẽ được bán lại với giá từ 20.000-25.000đồng. Sữa đậu nành trở thành mặt hàng… siêu lợi nhuận và được tiêu thụ rất mạnh!

Điều đáng nói là để khử mùi hôi trong sữa đậu nành, người ta chỉ cần sử dụng ít phụ gia mùi đậu nành được mua dễ dàng ở chợ Đồng Xuân, chợ Hôm… Chỉ với vài ngàn đồng phụ gia là lập tức sẽ có một nồi sữa thơm ngon, hấp dẫn. Anh Nguyễn Văn Hòa - người chuyên nấu sữa đậu nành tại Thượng Cát, Long Biên tiết lộ: “Với sữa đóng chai, có nhãn hiệu thì được cho thêm chất đạm, sữa bán lề đường thì chỉ cần cho chất béo, mùi đậu nành, phẩm màu và đường hóa học sẽ làm giảm chi phí sản xuất. Nếu chỉ nấu sữa từ đậu nành không thì có mà… lỗ vốn”?!

Đáng ngại hơn, để tránh cháy khét, đa phần các lò nấu sữa đậu nành chỉ đun sữa ở nhiệt độ gần 90 độ, sau đó cho sữa vào túi nilon buộc chặt dây và để trong nồi nấu nhỏ lửa trong suốt quá trình bán sữa. Điều này đã làm cho các vi khuẩn, mầm mống gây bệnh trong sản phẩm này chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.

Bên cạnh đó, đậu nành được sử dụng để nấu sữa thường là đậu cũ và có khi lẫn cả hạt mốc, kém chất lượng và không ngâm đủ thời gian... Tuy vậy, mỗi ngày vẫn có hàng vạn lít sữa không đạt yêu cầu được mang đi tiêu thụ tại quán cơm, quán nước giải khát, các nhà trẻ, trước cổng trường học… làm tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, tiêu chảy cấp…

Nguy cơ ngộ độc cao

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, sữa đậu nành đường phố là một trong 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao. Còn theo Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, phần lớn các trường hợp ngộ độc vì sữa đậu nành kém chất lượng điều trị tại trung tâm đều do tụ cầu vàng gây nên. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã công bố trên 70% số sữa đậu nành đang tiêu thụ tại Hà Nội có xuất xứ từ các cơ sở tư nhân, không bảo đảm ATVSTP.

Điều đáng nói là trong các loại sữa đậu nành không đảm bảo chất lượng thường có các vi sinh dễ gây ngộ độc và các bệnh về đường ruột như E Coli (cao gấp 250 lần cho phép), Coliform (gấp 30.000 lần chỉ tiêu cho phép), nấm men mốc (cao gấp 7 lần quy định)… Hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến sữa đậu nành là do chúng được nấu từ các loại đậu bị nấm mốc.

Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus Flavus và Aspergillus Parasiticus sản sinh ra trong đậu ẩm mốc rất độc và có thể gây ung thư gan. Tình trạng vệ sinh chung không bảo đảm tại các nơi sản xuất và cung cấp sữa đậu nành đường phố cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.

Để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên lựa chọn các sản phẩm có chất lượng, ghi rõ nơi sản xuất, có giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra và chỉ cho phép các sản phẩm sữa đậu nành được sản xuất công nghiệp với quy trình hiện đại khép kín, đạt các tiêu chuẩn về VSATTP mới được phép lưu hành trên thị trường…

Huệ Linh