Nguy cơ ngộ độc từ nấm trôi nổi bán tràn lan

(ANTĐ) - Nấm là một món ăn ngon, bổ và khá phổ biến. Tuy nhiên, với các loại nấm trôi nổi trên thị trường, nhất là nấm nhập khẩu chưa qua kiểm dịch thực vật, lại tiềm ẩn không ít nguy cơ ngộ độc. Trong khi đó, việc kiểm soát thị trường kinh doanh mặt hàng thực phẩm dường như chưa được các cơ quan chức năng chú ý, các loại nấm trôi nổi vì vậy cũng được bày bán tràn ngập trong hầu hết các chợ.

Nguy cơ ngộ độc từ nấm trôi nổi bán tràn lan

(ANTĐ) - Nấm là một món ăn ngon, bổ và khá phổ biến. Tuy nhiên, với các loại nấm trôi nổi trên thị trường, nhất là nấm nhập khẩu chưa qua kiểm dịch thực vật, lại tiềm ẩn không ít nguy cơ ngộ độc. Trong khi đó, việc kiểm soát thị trường kinh doanh mặt hàng thực phẩm dường như chưa được các cơ quan chức năng chú ý, các loại nấm trôi nổi vì vậy cũng được bày bán tràn ngập trong hầu hết các chợ.

Nấm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan
Nấm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan

Vi phạm phổ biến

Ngay sát cổng chính chợ Thành Công, chị bán hàng rau xanh khi biết chúng tôi có nhu cầu mua nấm, chỉ về phía mấy chậu lớn bày la liệt các loại nấm ăn, nằm cạnh những mớ rau xanh mơn mởn và giới thiệu từng loại nấm để khách hàng lựa chọn. “Anh chị mua nấm về ăn lẩu hay xào. Nếu ăn lẩu thì lấy túi nấm kim châm, 55.000 đồng nửa cân; hoặc nấm mỡ, nấm hương hay túi nấm đùi gà với giá 8.000 đồng/ lạng. Còn nếu mua về xào thì chọn nấm ô tuyết, 18.000 đồng/1 túi 2 lạng; rẻ nhất là nấm sò, 20.000 đồng/1 cân...”.

Lướt qua một loạt nấm theo giới thiệu của chị chủ hàng, chúng tôi nhận thấy không có bất cứ một loại nào được ghi rõ xuất xứ, nguồn gốc. Những loại nấm thông thường như nấm mỡ, nấm sò, nấm hương được đựng trong các túi nilon lớn, không hề có bất cứ dòng chữ nào, khách mua bao nhiêu thì sẽ cân bán lẻ.

Đặc biệt, các túi nấm nhập ngoại được giới thiệu là nấm “liên doanh” như nấm ô tuyết, trên bao bì hoàn toàn được ghi bằng chữ Trung Quốc, không hề có nhãn phụ tiếng Việt; tương tự với nấm kim châm, toàn bộ phần chữ trên bao bì được ghi bằng chữ Hàn Quốc, không có một dòng chữ tiếng Việt...

Hỏi về vấn đề này, chị chủ hàng phân bua: “Mấy túi nấm không có nhãn mác là nấm của dân mình tự trồng, hàng ngày chị vẫn lấy ở chợ Dịch Vọng, còn nấm đóng gói có chữ Trung Quốc, Hàn Quốc lấy từ chợ Đồng Xuân, lên đó mua lẻ thôi làm gì có giấy tờ, hóa đơn”.

Tương tự, qua ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ như: Nghĩa Tân,  Đồng Xa (Cầu Giấy), Bưởi (Tây Hồ)... cũng bày bán tràn lan các loại nấm với bao bì bằng chữ Trung Quốc 100%. Giá bán trung bình từ 15-20 nghìn đồng/túi.

Trước đó, ngày 14-2, đoàn Thanh tra VSATTP thành phố Hà Nội đã phát hiện một số quầy hàng rau tại chợ Hôm-Đức Viên bán các loại nấm tươi được đựng trong các túi nilon, bên ngoài bao bì ghi toàn chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt. Thậm chí, một số túi nấm rơm, nấm hương tươi... còn không có một dòng chữ nào.

Tên gọi của những loại nấm này chỉ có chủ hàng mới biết. Tuy nhiên, chủ hàng cũng không xuất trình được bất kì loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại nấm này. Theo hầu hết các chủ hàng, phần lớn nấm được lấy từ chợ Đồng Xuân. Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban quản lý chợ tạm thời tịch thu toàn bộ số nấm trên đến khi nào xuất trình được đầy đủ giấy tờ mới cho lưu thông.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Xét theo tiêu chí về mặt VSATTP, tất cả các mặt hàng thực phẩm khi được đưa ra kinh doanh, bày bán đều phải có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Với thực phẩm nhập ngoại, bao bì sản phẩm bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi các thông số theo quy chế VSATTP... Điều đó cũng có nghĩa, việc kinh doanh các sản phẩm nấm ăn không có nguồn gốc, xuất xứ, không đầy đủ nhãn mác như nói trên là vi phạm quy chế, Pháp lệnh VSATTP.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, khi phát hiện nhiều cửa hàng tại chợ Hôm bày bán nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Ban quản lý chợ này niêm phong toàn bộ số hàng trên để xử lý, nếu cơ sở nào xuất trình được đầy đủ các giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc mới tiếp tục cho bán trở lại.

Đồng thời, Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các Ban quản lý chợ trên địa bàn phải giám sát chặt hơn vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm trôi nổi, trong đó có nấm ăn. Bởi với các loại nấm trôi nổi trên thị trường, chưa được qua kiểm dịch thực vật nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc từ các hóa chất bảo vệ thực vật...

Tính từ đầu năm 2009 đến nay, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai chưa tiếp nhận ca ngộ độc nào do nấm. Nhưng cùng kỳ này năm ngoái, có đến gần chục bệnh nhân ngộ độc nấm vào điều trị tại trung tâm với các biến chứng nặng, trong đó có cả những vụ ngộ độc tập thể ở quy mô gia đình, có những trường hợp bị ngộ độc nấm đã chết trên đường vào BV...

Tuy nhiên, theo cảnh báo của bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai thì khoảng 1, 2 tháng tới, khi bắt đầu có mưa xuân, số bệnh nhân ngộ độc nấm nhập viện sẽ tăng nhanh, bởi đây là thời kỳ các loại nấm phát triển mạnh. Cũng theo bác sĩ Nguyên, bệnh nhân ngộ độc nấm thường do tự hái nấm ngoài rừng về ăn và hái nhầm phải nấm độc...

Trung tâm chưa tiếp nhận trường hợp nào bị ngộ độc do ăn nấm bán trên thị trường, bởi không ai dám bán nấm độc, tuy nhiên với các loại nấm không rõ nguồn gốc, nhất là nấm nhập khẩu trôi nổi cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ mắc bệnh hoặc ngộ độc, bởi các loại nấm này thường chưa được kiểm dịch thực vật về độ an toàn.

Duy Tiến