Thiệt hại không nhỏ
Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện, làm đẹp của người dân, nhiều trung tâm Fitness&Yoga đã được mở ra ở khắp nơi. Để trở thành hội viên các CLB này, mỗi cá nhân phải nộp tiền (theo tháng, quý hoặc năm), sau đó sẽ được cấp thẻ hội viên. Thông thường, mức phí tham gia các CLB này không hề rẻ, dao động từ 1-3 triệu/tháng tùy thuộc vào hạng của thẻ được cấp, hạng càng cao số tiền càng lớn, kéo theo đó, hội viên sẽ được hưởng thêm nhiều dịch vụ ưu đãi.

Nhiều hội viên CLB Active Fitness&Yoga (số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội) đang rất lo lắng
Hầu hết các CLB đều đưa ra các chương trình khuyến mãi với nhiều ưu đãi hấp dẫn nhằm khuyến khích hội viên nộp tiền theo thời gian dài (từ 2-5 năm, có khi cả chục năm). Như vậy, để được tập luyện trong các CLB này, số tiền mỗi hội viên phải nộp ít nhất là vài triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Do đó, khi các Trung tâm này bỗng dưng dừng hoạt động, số tiền hội viên bị thiệt hại không hề nhỏ.
Liên quan đến việc một số Trung tâm, CLB Fitness&Yoga trên địa bàn Hà Nội đột ngột đóng cửa sau khi đã thu tiền của hội viên thời gian qua, Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng VPLS Mặt trời mới cho rằng, khi hội viên đã mua Thẻ tập của Trung tâm, CLB Gym, Yoga…bằng Hợp đồng với Công ty chủ sở hữu với địa điểm, thời gian và chương trình tập dài hạn, thì theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, việc giao kết hợp đồng dân sự theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Để tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng, mỗi cá nhân phải tìm hiểu và đánh giá đúng về thẩm quyền của người đại diện công ty ký hợp đồng, năng lực thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của bên kia, nhằm bảo đảm hợp đồng mà mình đã giao kết có hiệu lực pháp luật và thực thi có hiệu quả.
Khi giao kết hợp đồng với các Trung tâm, CLB và thanh toán tiền theo Hợp đồng, các hội viên có quyền đến tập Gym, Yoga …tại địa điểm tập, thời gian tập và chương trình tập được quy định cụ thể tại thẻ tập, hoặc thẻ hội viên. Quyền được tập này đồng thời là nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ. Khi các hội viên đã có thẻ tập hoặc thẻ hội viên nhưng các CLB, Trung tâm không mở cửa để hội viên đến tập là họ đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã giao kết. Trong trường hợp này cần căn cứ vào nội dung các điều khoản của hợp đồng đã giao kết và quy định có liên quan để giải quyết tranh chấp giữa hai bên.
Có thể khởi tố hình sự nếu có dấu hiệu lừa đảo
Cũng theo Luật sư Bùi Văn Thành, Điều 385 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc nêu rõ: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại”.
Do đó, nếu các hội viên không được Công ty cung cấp địa điểm, thời lượng và chương trình tập và không có được cam kết cụ thể về việc cung cấp dịch vụ này theo hợp đồng, thì họ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu Công ty hoàn trả số tiền mua thẻ và các khoản chi phí hợp lý khác tương ứng với thời lượng mà họ chưa được hưởng dịch vụ do Công ty cung cấp. Các hội viên cũng có thể đối chiếu điều khoản phạt vi phạm nghĩa vụ quy định trong Hợp đồng để đưa ra yêu cầu cụ thể trả tiền phạt vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng đối với Công ty.
Ngoài ra, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Theo đó, nếu Hợp đồng có quy định về bồi thường thiệt hại, thì hội viên có thể đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với Công ty, theo nguyên tắc xác định bồi thường thiệt hại là do hành vi vi phạm nghĩa vụ theo Hợp đồng của Công ty trực tiếp gây ra, có thiệt hại thực tế đã xảy ra và thiệt hại đó được quy ra tiền. Trường hợp Công ty không thực hiện yêu cầu hoàn trả lại tiền mua thẻ tập, thẻ hội viên và các chi phí khác theo hợp đồng, không chịu trả tiền phạt và tiền bồi thường theo yêu cầu của hội viên thì các hội viên có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Còn đối với trường hợp các hợp đồng giao kết, nhưng do các nhân viên của các Trung tâm, CLB gian dối về chủ thể giao kết hợp đồng, hoặc gian dối về người đại diện theo thẩm quyền được giao kết hợp đồng khi họ không được Công ty giao quyền hoặc uỷ quyền ký kết các Hợp đồng này thì các hội viên nên gửi đơn trình báo ra cơ quan công an yêu cầu điều tra làm rõ cá nhân đã có hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhằm thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những đối tượng này có thể bị xử lý hình sự.