Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946/19-12-2016):

Người tù Hỏa Lò bật khóc khi tiếp quản

ANTD.VN - Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp người dân Thủ đô, trong đó có người thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Đức Minh (Thiếu tướng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND) đi theo lý tưởng cách mạng. Cuộc đời binh nghiệp của vị tướng đi qua hai cuộc chiến, gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc.

Người tù Hỏa Lò bật khóc khi tiếp quản  ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm trước ngày chi viện miền Nam 1965 với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cùng các Thứ trưởng Ngô Ngọc Du, Nguyễn Xuân Vinh, Phạm Kiệt

“Giây phút hưởng tự do, tôi nhớ về đồng đội”

Quê gốc Hưng Yên, sinh ra trong một căn nhà nhỏ trên phố Lò Đúc (Hà Nội) năm 1931, Nguyễn Đức Minh là học sinh khóa I trường Chu Văn An. Tháng 3-1946, khi mới 15 tuổi ông tham gia học lớp Tiểu đội trưởng Thiếu niên Tiền phong thành Hoàng Diệu do đồng chí Phạm Hồng Cư (Trung tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), đứng lớp. Sau đó, ông làm trinh sát và công tác tại Công an Hà Nội giai đoạn từ 1948-1958. “Đây là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh chia sẻ.

Giai đoạn đầu nhận nhiệm vụ, trinh sát Nguyễn Đức Minh được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động thường ngày của Cao ủy Pháp   Bollaert, làm điệp báo, tổ chức giao liên và tổ chức treo cờ Tổ quốc. Đêm 19-5-1948, ông cùng đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ treo cờ Tổ quốc tại chợ Đồng Xuân, tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm, mục đích để khẳng định sự hiện diện, tồn tại của cách mạng kháng chiến. Sáng sớm hôm sau, hình ảnh lá cờ cách mạng tung bay trên tháp Rùa giữa lòng Thủ đô được bà con phấn khởi đón nhận, tạo hiệu ứng lan tỏa trong phong trào chống Pháp. “Đây cũng là những lá cờ đầu tiên treo trong lòng địch, ngay giữa Thủ đô sau khi Trung đoàn Thủ đô rút”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nhớ lại.

Hoạt động treo cờ trên được viết trong bản báo cáo gửi cấp trên, tuy nhiên khi giao liên bị địch bắt, danh sách những người tham gia hoạt động trên bại lộ. Địch sục sạo khắp Thủ đô để truy bắt, trinh sát Nguyễn Đức Minh là người cuối cùng bị bắt. Địch liên tục tra tấn nhóm người treo cờ, sau đó giam hơn 30 người trong một hầm đá chỉ vỏn vẹn hơn 10m2 nhiều ngày. Ông Minh kể, trước khi rời hầm đá để giam tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Quang - đồng đội và cũng là bạn thân của ông đã dùng gạch đỏ vẽ cờ Tổ quốc và viết tên Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tường hầm đá.

Quân Pháp khi phát hiện đã rất tức giận, giữ lại 4 người nghi vấn sau đó xử tử tại bốt Phùng. Sau này khi người dân bốc lên để mai táng vẫn còn nguyên còng số 8 xích 4 người lại với nhau. Sau thời gian bị giam tại tù Hỏa Lò, tháng 11-1948, quân Pháp chuyển nhóm ông Minh tới Trại Khe Tù (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh), bắt lao dịch đào đá làm đường. 

Ý định trốn tù lần một thất bại, ông cùng người bạn thân tên Sỹ Vân bị lính Pháp bắt lại, trói vào cột đánh, 3 ngày 3 đêm không cho ăn. Kỷ niệm thú vị mà Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh không quên là có một cai tù người Pháp, từng là tù binh của Đức trong thế chiến II, đã chủ động cởi trói, cho ông Minh cùng đồng đội ăn, ngồi sưởi cùng trong ca trực của mình.

Người cai tù kể với 2 người tù cách mạng: “Khi phát xít Đức chiếm đóng, tôi cũng bị tù như các ông bây giờ và sau đó tổ chức trốn tù”. Ông Minh nói: “Chúng tôi là người Việt Nam yêu nước, kháng chiến là để chống thực dân Pháp, quyết giành độc lập như các ông chiến đấu chống phát xít để độc lập, giờ các ông độc lập rồi, cớ sao lại đi đàn áp chúng tôi?”. Cai tù nói với Nguyễn Đức Minh: “Nhiệm vụ của người tù là phải bỏ trốn”.

Kế hoạch trốn tù lần hai được vạch ra. Do bị trói, đánh nhiều ngày dẫn đến kiệt sức nên ông Sỹ Vân đã hy sinh. Ông Minh cùng một bạn tù khác rủ nhau trốn, chạy lên cánh rừng phía trên núi. Ban ngày trốn trên rừng, đêm xuống lại xuống đồng bằng kiếm đồ ăn, khi là chuối, lúc là cây mía, củ sắn và uống nước suối cầm cự. Dòng dã hơn một tháng trời, 2 người vượt hơn 200km đường bộ về tới cơ sở Công an Hà Nội khi đó đóng tại Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). 

Năm 1953, đồng chí Nguyễn Đức Minh làm việc tại Phòng Bảo vệ Chính trị. Năm 1954 tiếp quản Thủ đô, ông Minh là người duy nhất từng phải ngồi tù Hỏa Lò được giao nhiệm vụ tiếp quản Hỏa Lò.

“Đêm đầu tiên nằm ở Hỏa Lò trong tâm thế của công dân tự do, cảm giác thật đặc biệt. Đang sống quen đèn dầu, nay lại nằm ở buồng của tên giám thị Pháp ngày trước, phòng ốc rộng rãi, đèn điện sáng choang, tôi ngủ không được. Vừa phấn chấn vì là anh tù ngày xưa nhìn lên gác phòng giám thị không nghĩ rằng có một ngày mình lại là dân của một nước độc lập, đuổi nó đi để chiếm chỗ của nó. Nhưng rồi lại bật khóc khi nhớ lại Quang, nhớ lại Vân, những người bạn thân, đồng đội, đã không còn nữa”, kể đến đây, vị tướng già không cầm nổi nước mắt.

Người tù Hỏa Lò bật khóc khi tiếp quản  ảnh 2Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh ôn lại cuộc đời binh nghiệp qua những bức ảnh, kỷ vật

“Nếm mật nằm gai” ở An ninh khu VI

Năm 1964, khi đang công tác ở Cục Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam tham gia chống đế quốc Mỹ. Có mặt tại chiến trường Khu VI từ năm 1965, ông được phân công phụ trách Tiểu ban Điệp báo An ninh Khu VI.

Sau nhiều năm chiến đấu gian khổ, dũng cảm, tháng 2-1972, ông Minh được cấp trên giao làm Ủy viên Ban An ninh Khu VI, rồi cử vào Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Năm 1974, ông được Bộ Nội vụ điều động vượt Trường Sơn trở lại chiến trường, tiếp tục làm công tác điệp báo. Trong quãng thời gian 10 năm công tác tại Ban An ninh Khu VI, không ít lần ông Minh phải đối mặt với tình thế gian nan, cái chết chực chờ nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm về tình đồng đội. 

“Đó là những tháng ngày cực kì gian khổ nhưng anh em luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, sống và chiến đấu hết mình. Thời ấy, sinh hoạt thiếu thốn, có thời gian tôi bị quáng gà, tối đến nhìn không rõ. Anh em nói mắt kém phải ăn thịt thú rừng và bắt được một con trăn. Khi nấu nồi cháo thịt trăn, dù phải chia nồi cháo nhỏ cho 30 người nhưng anh em đã dành cho tôi miếng thịt và một mẩu da để ăn. Quả nhiên sau đấy, mắt tôi đã sáng lên. Đó là một kỷ niệm đẹp về tình đồng đội mà tôi không bao giờ quên”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh kể.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Đức Minh tiếp tục giữ nhiều trọng trách lãnh đạo chỉ huy ở các địa bàn vùng Tây Nguyên, Tháng 8-1990, ông được Thủ tướng Chính phủ phong quân hàm Thiếu tướng và sau này nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước và các cấp trao tặng.