Người thương binh tiếp tục cống hiến dù đã nghỉ hưu

ANTD.VN - Trong công việc thì luôn tận tụy, nỗ lực hết mình, khi trở về với gia đình cũng là một người chồng, người cha gương mẫu. Đó là tấm gương ông Nguyễn Văn Chung - thương binh hạng A-4/4, nguyên là cán bộ Đồn Công an Bắc Đuống thuộc CAH Gia Lâm, Hà Nội. 

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp ông đó là một người đàn ông với vóc dáng cao, gầy, nước da bánh mật, với ánh mắt nụ cười rất vui vẻ và thân thiện. Ông chủ động bắt tay tôi thay cho một lời chào với người đồng chí trong lần đầu gặp gỡ.

Người thương binh tiếp tục cống hiến dù đã nghỉ hưu ảnh 1Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc CATP Hà Nội thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh Nguyễn Văn Chung nhân dịp 27-7-2017

Gia đình có 2 liệt sỹ

Ông Nguyễn Văn Chung sinh năm 1961 tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1967, bố ông hy sinh khi tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, một lần nữa gia đình phải chịu mất mát lớn khi người anh trai của ông, Nguyễn Văn Mừng, hy sinh trong Chiến dịch phản công biên giới Tây Nam nơi mà quân tình nguyện Việt Nam giúp hồi sinh dân tộc Campuchia, thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ở tuổi 17, ông đã cảm nhận được sự đau thương đến nhường nào khi mất đi người thân trong chiến tranh. 

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình, ông Chung mong muốn được trở thành một chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, để góp phần công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên mà bố và anh ông đã ngã xuống để giành lấy. Tháng 7-1979, ông được tuyển vào ngành Công an, được phân công công tác tại Trại 1 huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Qua nhiều năm công tác tại nhiều địa bàn với các vị trí vai trò khác nhau, trong đó có cả Chiến tranh Biên giới, đến năm 1985, ông về công tác tại Đội CSGT - TT Công an huyện Gia Lâm, sau đó là Công an thị trấn Yên Viên, Công an thị trấn Gia Lâm và Đồn Công an Bắc Đuống cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 4-2017. 

Trong cuộc chuyện trò, ông đã kể cho tôi nghe về một kỷ niệm trong quá trình công tác khiến ông không bao giờ quên: Khoảng tháng 8-2007, ông cùng các chiến sĩ trong đơn vị tham gia đưa đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm đi cai nghiện bắt buộc. Đối tượng liên quan đã phản kháng và cầm ấm tích bằng sứ đập vào mặt ông khiến ông bị thương tích gãy xương gò má, chấn thương sọ não và được mọi người đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện 19-8 - Bộ Công an trong suốt 3 tháng với tỉ lệ thương tật 38%.

Ông nói rằng đó là một bài học xương máu cho ông cũng như cho mỗi cán bộ chiến sĩ Công an trong quá trình đấu tranh đối với các loại tội phạm. Khi cùng đường, chúng thường chống trả quyết liệt, nếu không có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chi tiết cụ thể cùng tinh thần cảnh giác cao độ thì sự việc khôn lường có thể xảy ra dẫn tới những hy sinh mất mát to lớn…

Với những thành tích đã đạt được trong suốt 38 năm công tác, thương binh Nguyễn Văn Chung đã được lãnh đạo Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội trao tặng nhiều Huân chương, Giấy khen vì sự nghiệp Bảo vệ An ninh Tổ quốc. Đó là niềm vinh dự, nguồn cổ vũ động viên tinh thần lớn lao đối với ông cũng như tất cả mọi người trong gia đình.

Tấm gương cho thế hệ sau

Trong công việc thì luôn tận tụy, nỗ lực hết mình, khi trở về với gia đình, ông cũng là một người chồng, người cha gương mẫu và hết mực yêu thương vợ con. Ông luôn nhắc nhở bảo ban các con của mình sống phải biết yêu thương; giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức; nâng cao tinh thần hiếu học, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ của bản thân. Chính vì vậy mà hai con của ông đều đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, được bạn bè và mọi người sinh sống trong khu phố yêu quý. Nhiều năm liền, gia đình ông đều được công nhận là “Gia đình văn hóa” … 

Đầu năm 2015, ông bị ốm, sức khỏe ngày càng suy giảm và phải đi thăm khám tại bệnh viện. Tại đây, ông đã phát hiện mình mắc ung thư thực quản, nếu không điều trị kịp thời thì sẽ khó có thể duy trì được mạng sống. Ông bị sốc và gần như suy sụp hoàn toàn. Nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy - Ban giám đốc CATP Hà Nội, Đảng ủy - Ban chỉ huy Công an huyện Gia Lâm; sự giúp sức của đồng chí đồng đội trong đơn vị; sự động viên của gia đình cùng ý chí, nghị lực quyết tâm vượt qua bệnh tật của bản thân, ông Chung đã được phẫu thuật. Đến nay ảnh hưởng của bệnh tật đã thuyên giảm rất nhiều, sức khỏe của ông cũng dần hồi phục và được sinh hoạt, điều trị thuốc tại nhà riêng của mình. 

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu và hạn chế về sức khỏe nhưng ông vẫn không ngừng vận động cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông vừa tích cực tập luyện thể dục thể thao lành mạnh, nâng cao sức khỏe để đẩy lui bệnh tật; vừa năng nổ tham gia các hoạt động xã hội tại địa bàn, là thành viên tham gia các quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ông đem những kinh nghiệm đúc rút của bản thân trong quá trình công tác trong ngành công an để chia sẻ với mọi người tại các cuộc họp, giao lưu trên địa bàn các biện pháp trong việc phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng phạm tội, duy trì an ninh trật tự, tạo dựng cuộc sống bình yên trong nhân dân.

Vừa là thế hệ đi trước, cũng vừa là đồng chí, ông nói với tôi như một lời nhắn nhủ: “Thế hệ các cháu mới vào ngành, cần phải thường xuyên rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức tốt, trau dồi kiến thức kinh nghiệm cho bản thân cả trong học tập và thực tế công tác tại đơn vị để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mang sức mình ra phục vụ đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân - đó là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng nhất”. Dù trong công tác không thể tránh khỏi những khó khăn, thiếu sót, ông chúc tôi nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Tôi cũng chúc ông ngày càng có nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc và tiếp tục đóng góp sức mình cho cuộc sống bình yên của nhân dân.