Người thương binh kể chuyện bám theo "ông trùm" Khánh "trắng"

ANTĐ - Chuyên án triệt phá ổ nhóm tội phạm do Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”) cầm đầu tại khu vực chợ Đồng Xuân đã trôi qua gần 20 năm. Nhưng ít ai biết rằng, để có được đầy đủ hồ sơ, bằng chứng của tên giang hồ cộm cán nhất Hà thành, 1 chiến sĩ công an tuổi đời còn rất trẻ đã lặng lẽ bám theo từng dấu vết của hắn trong gần 4 năm trời.

Thượng tá Đào Anh Tuấn

Cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, CATP Hà Nội vẫn quen gọi Thượng tá Đào Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng thân mật bằng cái tên Tuấn “đen” hay Tuấn “béo”. Nhiều người bảo, cán bộ chiến sĩ lại gọi chỉ huy như thế, nhưng anh Tuấn chẳng giận mà cười nói rằng: “Anh em bao năm gắn bó như người trong nhà, gọi vậy là gần gũi lắm. Bao lâu nay tôi dính chết với cái biệt danh ấy rồi, gọi khác đi khéo lại thành nhầm người thì dở. Hơn cả, thường chỉ những ai quý mình, yêu mình thì mới quen gọi theo cách thân mật ấy”.

Bây giờ đã vào ngưỡng ngũ tuần, lại là thương binh bị tổn hại 24% sức khỏe do bị thương trong một lần làm nhiệm vụ, nhưng Thượng tá Đào Anh Tuấn chưa một ngày cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi hay đề đạt xin chuyển sang những công việc có phần nhẹ nhàng hơn.

Chất hình sự đã ngấm vào máu, nhiều lúc biền biệt theo các chuyến công tác truy nã tội phạm, anh cũng cảm thấy mệt mỏi. Nhưng oái oăm ở chỗ, cứ nghỉ được vài ba ngày là anh lại cảm thấy buồn bã, chân tay bứt rứt, không làm việc là không chịu được. Thượng tá Đào Anh Tuấn tâm sự, có lẽ số anh sinh ra là để làm một người lính hình sự. 

…Năm 1992, khi ấy đang đảm nhận công việc giúp việc cho Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Trung úy Đào Anh Tuấn đã đưa ra một quyết định có tính bước ngoặt, xin chuyển công tác. Thời điểm ấy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết đơn vị anh muốn chuyển về lại là nơi vất vả thuộc loại nhất nhì CATP Hà Nội: Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát Hình sự.

Nhớ lại chuyện cũ, anh Tuấn kể: “Nhiều bạn bè thắc mắc sao lại chuyển, làm lính văn phòng bình yên hơn không muốn, lại thích phơi mặt ra đường để chiến đấu với tội phạm. Lúc đó tôi chỉ tâm niệm, mình còn trẻ, cần phải có sự rèn luyện, trải nghiệm thì mới có thể trưởng thành”. Và chuyên án bắt giữ “ông trùm” xã hội đen Khánh “trắng” cũng đến với anh từ những suy nghĩ tâm huyết đó.

Sau khi về Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm được một thời gian, bỗng một buổi trưa, Đội trưởng, Thiếu tá Trần Thanh Hùng gọi anh đi ra ngoài có việc. Hai anh em chở nhau bằng xe máy dạo quanh các tuyến phố Hà Nội, vừa đi vừa nói chuyện. Cuộc trò chuyện ngắn gọn, nhưng những lời dặn dò của người chỉ huy đến bây giờ anh vẫn nhớ mãi: “Anh Thanh Hùng chỉ nói. Từ nay, em chú ý “bám” theo đối tượng Dương Văn Khánh, đây là tên lưu manh và hết sức nguy hiểm. Mọi thông tin thu thập được cứ bí mật tập hợp lại, sẽ có lúc phải dùng đến”.

Vậy là từ đó, ngoài công việc hàng ngày, Trung úy Đào Anh Tuấn lặng lẽ làm phần việc đã được giao. Cứ ngoài giờ làm việc anh dành thời gian la cà khắp Hà Nội, tiếp xúc với đủ thành phần trong xã hội, từ lưu manh đến những tay giang hồ đã “gác kiếm” để “dựng” lên chân dung và từng mối quan hệ nhằng nhịt của Khánh “trắng”. Chưa kể, cứ khi đêm, về anh lại tìm đọc  hàng chồng hồ sơ dày cộm có liên quan đến Dương Văn Khánh lẫn hồ sơ liên quan đến đám đàn em của gã.

Khi nghiên cứu đến vụ án giết người bán mũ cối tại phố Hàng Chiếu xảy ra ngày 21-2-1991 do đàn em Khánh “trắng” là Vũ Quốc Dũng (SN 1967), trú tại ngõ 3 Kim Mã gây ra, anh phát hiện ra rất nhiều dấu hiệu bất thường. Vụ án này, theo thông tin anh nắm được thì thủ phạm chính là Khánh “trắng”. Tuy nhiên, “ông trùm” đã đạo diễn lại toàn bộ sự việc bằng cách đưa Vũ Quốc Dũng ra thế mạng… 

Đến gặp gia đình nạn nhân, nhìn thấy cảnh bà mẹ phải bán nhà cửa đi kêu oan cho con khắp nơi mà không được, anh Tuấn đặt quyết tâm phải đưa Khánh “trắng” ra trước vành móng ngựa. Anh kể lại: “Bản án đã có hiệu lực nhưng tôi kiên quyết không bỏ cuộc. Tôi là người thích lẽ phải và ưa tìm ra chân lý, sự thật nên muốn chiến đấu đến cùng”. Câu hỏi được đặt ra là bắt Khánh “trắng” bằng cách nào khi bản án kia đã có hiệu lực pháp luật? Chỉ còn cách đợi thời cơ bắt hắn từ một vụ án khác để lật ngược lại vụ án giết người của 4 năm trước.

Ngày ấy đã đến, tháng 5-1995, Khánh “trắng” ngang nhiên dẫn hàng chục đàn em đến cướp phá đồ đạc tại khách sạn ở địa chỉ 71 phố Kim Mã để siết nợ. Ngang ngược hơn, Khánh “trắng” còn “lập biên bản” giao cho chủ nhà về việc “cưỡng chế” của mình… Toàn bộ thông tin chi tiết vụ việc ngay lập tức được báo cáo gấp lên cấp trên. Không lâu sau, lệnh bắt Khánh “trắng” được thực thi, hàng loạt tay chân của trùm giang hồ bị bắt cùng “đại ca” của chúng.