Người tham gia mạng lưới đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy lo lắng bị mất trắng

ANTD.VN -Mặc dù Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, song đến thời điểm tại, ở trụ sở chính của công ty này mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Có mặt tại trụ sở chính của Công ty ở A6 - A7/D11, Đồng Bông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội sáng 26-4, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng người ra, vào khá tấp nập nhưng dưới sự giám sát, kiểm tra khá chặt chẽ của 4 nhân viên bảo vệ luôn túc trực tại cửa. Chỉ những người là thành viên của mạng lưới sau khi được kiểm tra thẻ mới được phép vào bên trong. Tiếp xúc với chúng tôi, một số người cho biết, họ đến  trụ sở chính của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy để giao dịch, thanh lý hợp đồng theo lịch hẹn, hoặc muốn lấy lại tiền sau khi nghe tin công ty xin chấm dứt hoạt động, song hầu hết những người này phải ra về tay không kèm theo lời giải thích và tờ giấy cam kết…

Quyền lợi người tham gia có được bảm đảm?

 Cũng theo những người đã tham gia mạng lưới của công ty Thiên Ngọc Minh Uy, số tiền họ đã đóng vào công ty khá cao, thấp thì cũng vài chục triệu, cao lên tới vài tỷ đồng. Ông N.V. P ở quận Đống Đa, Hà Nội tâm sự, ông tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty từ năm 2015 theo gói dưỡng sinh. Tổng số tiền ông đã nộp vào Công ty này là trên 350 triệu đồng, song từ đó đến nay, ông P vẫn chưa được “thoát thưởng” đồng nào. Đổi lại, những gì ông có chỉ là tấm thẻ hội viên, tờ giấy biên nhận tiền và chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy.

Người ra, vào trụ sở chính của Công ty khá tấp nập

“Khi tôi tham gia mạng lưới này, tôi được tư vấn 1 tháng Công ty sẽ “thoát thưởng” một lần nhưng người tham gia phải xếp hàng, đến lượt ai mới được lấy. Do có số tiền tiết kiệm dưỡng già, nghe nói gửi vào đây không phải làm gì mà lãi suất rất cao nên tôi đã giấu con mang đến Công ty mua 300 mã. Khi nghe tin Công ty xin dừng hoạt động bán hàng đa cấp tôi vội vã lên hỏi thì được nhân viên ở đây giải thích Công ty chỉ tạm dừng hoạt động để chuyển sang hướng mới với quy mô hoành tráng hơn, còn chương trình mà tôi đang tham gia sẽ không được phép lấy lại tiền khi đang chạy dở dang. Tôi vô cùng lo lắng trước nguy cơ bị mất trắng nhưng cũng chỉ biết tự trách mình. Tất cả là tại lòng tham làm mờ mắt” – ông P chia sẻ.

Với tâm trạng tương tự, chị T.T.H ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, cách đây hơn 1 năm, bố mẹ chồng chị đã tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của với số tiền gửi vào trên 600 triệu đồng. Chị H cũng hưởng ứng đóng 1 mã với hơn 10 triệu đồng với hi vọng sau vài năm số tiền này sẽ tăng lên gấp đôi. Tuy vậy, từ đó đến nay, số tiền chị H nhận lại được mới chỉ là 500.000 đồng. “Mấy ngày nay, cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa. Do bố mẹ chồng tôi huyết áp cao nên  tôi đã trực tiếp đến trụ sở chính của Công ty hỏi về thủ tục rút tiền về mà không cần nhận bất cứ khoản tiền lãi nào. Song tôi bị bảo vệ chặn ngoài cửa với lý do chỉ bố mẹ tôi – những người đứng tên trong hợp đồng đến mới được giải quyết. Tôi không biết quyền lợi của gia đình mình sẽ được bảo đảm như thế nào? Trong trường hợp Công ty Thiên Ngọc Minh Uy từ chối trả tiền, chúng tôi sẽ phải làm gì”? – chị H lo lắng.

Điều đáng nói là, bên cạnh những người có nguyện vọng rút tiền ngay thì hiện vẫn còn một số cá nhân vẫn tin vào tương lai của mạng lưới này. Để tìm hiểu thực hư, phóng viên đến đặt lịch làm việc với lãnh đạo công ty Thiên Ngọc Minh Uy, song nhân viên lễ tân Công ty này đã yêu cầu chúng tôi để lại Giấy giới thiệu, số điện thoại và cho biết “nếu lãnh đạo công ty đồng ý làm việc, họ sẽ chủ động liên lạc lại”.

Làm thế nào để đòi lại tiền?

Liên quan đến câu hỏi của người dân về việc “liệu họ có lấy lại được tiền của mình sau khi Công ty Thiên Ngọc Minh Uy xin chấm dứt hoạt động”, Luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng Văn phòng Luật sư Basico cho rằng, Công ty đa cấp cũng giống như các loại hình đầu tư góp vốn kinh doanh khác, nếu doanh nghiệp có khả năng trả nợ được, họ sẽ trả nợ dần dần, còn trong trường hợp ngược lại, Công ty này sẽ phải tiến hành các thủ tục tương tự như phá sản doanh nghiệp, thanh lý thu hồi toàn bộ tài sản. Những chủ nợ có bảo đảm sẽ được ưu tiên trả trước. Tuy vây, thực tế cho thấy, những người tham gia mạng bán hàng đa cấp gần như mất trắng vì tài sản sau khi thanh lý của các công ty này rất ít.

Để lấy lại tiền, người dân tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp cần nhanh chóng làm đơn trình báo tới cơ quan chức năng, việc giải quyết sẽ theo thủ tục giải thể phá sản, doanh nghiệp. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được sẽ tiến hành kiện ra tòa (kiện theo thủ tục đòi nợ thông thường hoặc kiện theo thủ tục phá sản). Do số lượng người tham gia đông, số tiền  tranh chấp lớn nên thời gian giải quyết những vụ việc như thế này thông thường kéo dài từ 3-5 năm.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, dù pháp luật cho phép bán hàng đa cấp nhưng do hoạt động này dễ bị lợi dụng, biến tướng nên cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã liên tục có những hành vi vi phạm pháp luật, bị phạt với số tiền rất lớn nhưng vẫn tái phạm. Điều này cho sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong đó có Bộ Công Thương đã thiếu kịp thời trong xử lý vi phạm, chậm trễ công khai, kết luận thanh tra dẫn đến sự việc ngày càng diễn biến phức tạp” – Luật sư Trương Thanh Đức nhận định.