Người phụ nữ nửa đời "vác tù và hàng tổng" giúp đỡ người nghiện hướng thiện

ANTD.VN - Khó có thể hình dung người phụ nữ bình dị ấy là người đã dành gần 30 năm vật lộn với đủ thứ hệ lụy nơi “trọng điểm ma túy” với mong mỏi duy nhất là giúp được càng nhiều người nghiện hoàn lương, có cuộc sống đảm bảo càng tốt. Đó là bà An Thị Hồng (hiện là Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Minh Khai - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Người phụ nữ nửa đời "vác tù và hàng tổng" giúp đỡ người nghiện hướng thiện ảnh 1

Bà An Thị Hồng - Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Minh Khai - quận Hai Bà Trưng

Cái tâm bình dị của bà giáo nghỉ hưu

Đến ngách 6, ngõ 242 đường Minh Khai, phường Minh Khai, hỏi bà Hồng thì không người dân nào không biết.

“Bà Hồng “ma túy” chứ gì. Nhà ngay kia kìa chú”, một người dân chỉ ngay cho tôi vào nhà bà. Khác với những gì mường tượng về một con người đầy chất thép, rắn rỏi, tiếp tôi là một người phụ nữ nhỏ nhắn, hiền lành, giọng nói truyền cảm, hiền lành như bao người bà, người mẹ bình thường khác. 

Năm 1991, bà Hồng nghỉ hưu sớm vì hoàn cảnh gia đình neo đơn. Thời điểm đó, nơi bà ở, phường Minh Khai là một địa bàn trọng điểm về người nghiện ma túy của thành phố. Đây là một địa bàn giáp ranh với những "điểm nóng" ma túy khác như Thanh Nhàn, Quỳnh Lôi… với tỷ lệ người nghiện ma túy cao nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhiều gia đình, tổ ấm tan nát vì “cái chết trắng”. Mỗi ngõ phố, góc đường luôn ẩn hiện tai họa với bất cứ ai.

Là giáo viên nghỉ hưu, bà Hồng buồn và lo lắng trước những hình ảnh đáng sợ đó và cũng như bao bà mẹ khác, bà cũng sợ chỉ một phút sơ sểnh là có thể mất đi 2 đứa con trai yêu quý.

Chẳng ngại phải đối mặt với những chân dung mà thời đó, xã hội còn tránh xa, bà Hồng tình nguyện tham gia CLB giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng - B93 và phụ trách CLB này ngay từ lúc thành lập.

Bà cũng thành lập CLB Đồng Cảm - nơi mà những người nghiện, người nhiễm HIV – những mảnh đời lầm lỡ có thể cùng nhau trao đổi, giúp đỡ nhau đi về phía ánh sáng.

Cả ngày “vác tù và hàng tổng” giúp ích cho cộng đồng, bà Hồng lại không may mắn như người khác khi gặp phải nghịch cảnh. “Năm 2008, con trai thứ hai của tôi qua đời vì ốm, 2 tháng sau thì đến chồng do u não. Thời điểm đó, tôi chỉ còn hơn 30kg, tưởng như chết luôn theo chồng và con” – bà Hồng rưng rưng nước mắt kể lại. 

Vượt qua nỗi đau ấy, quyết không để khu phố mình còn những nỗi buồn hơn thế, ngày nào bà cũng đi khắp nơi, gặp từng “đứa cháu” nghiện ngoài phố để vận động, trò chuyện. Đội Công tác Xã hội Tình nguyện mà bà Hồng tham gia hơn 22 năm nay đã chính thức góp phần xóa bỏ cái tên “trọng điểm ma túy” cho phường Minh Khai từ năm 2013.

Bà Hồng khiêm tốn cho rằng, công sức của  mình chỉ là nhỏ nhặt. Công việc này không thể âm thầm làm một mình mà cần có sự kết hợp mọi người dân, mọi cấp, không ngừng lúc nào.

“Điều khó nhất của công việc này là cần cái tâm. Phải nói chuyện, đối xử với họ như người thân, con cháu trong nhà, có như thế thì mới mở được cánh cửa để họ chia sẻ rồi hướng về cái tốt” – bà Hồng chia sẻ.

Những con phố bình yên ở phường Minh Khai hiện nay

Còn sức khỏe, còn đi...

Cai nghiện đã khó, chống tái nghiện lại càng khó hơn. Ngoài công tác vận động, tuyên truyền, khuyên nhủ và những buổi sinh hoạt hàng tháng, CLB B93 của bà Hồng còn hỗ trợ giúp người nghiện vay vốn để làm kinh tế, từ đó tạo công ăn việc làm, giúp họ tự nuôi sống bản thân và gia đình, nhận ra ý nghĩa của cuộc sống.

“Các cháu sau cai cần nhất là một công việc để tự nuôi sống được bản thân, cũng là để các cháu tự nhận ra rằng mình vẫn còn có ích, vẫn có thể làm lại được.

Thực tế, xã hội còn có cái nhìn tiêu cực về người nghiện khiến các cháu không tiếp cận được cơ hội làm lại cuộc đời, sinh ra chán nản, tái nghiện... CLB B93 Minh Khai đã giúp các cháu cơ hội vay vốn để phát triển kinh tế, qua đó giúp các cháu có thể sống được bằng khả năng của mình”, bà Hồng cho biết.

Để làm được điều đó, từ năm 2005,  CLB B93, Hội Phụ nữ phường Minh Khai đứng ra bảo lãnh để người thân, gia đình người nghiện đứng tên vay ngân hàng chính sách xã hội với mức vay tối đa là 10-30 triệu đồng. Có lẽ đây là một trong những nơi đầu tiên làm được việc thiết thực này.

Vượt qua những dị nghị, lời nói không hay về “bà giáo hâm, dại dột khi tìm cách vay tiền cho người đã từng nghiện ngập”, những con người đã từng vấp ngã đã không phụ lòng bà.

Nhờ sự hỗ trợ của CLB B93 phường Minh Khai, sự nỗ lực của bà An Thị Hồng, nhiều người nghiện sau cai của phường Minh Khai có việc làm ổn định, trong đó có 7 người được chính quyền tạo điều kiện vay được 140 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Phường Minh Khai hôm nay, bóng dáng của “cái chết trắng” tung hoành ngày nào đã phai mờ. Anh N.G Lập, một chủ cửa hàng sửa xe máy đang hối hả làm việc. Nếu không quen biết, chẳng ai nhận ra trước đây anh là một con nghiện. “Tôi cai nghiện tại trung tâm số 5. Đến năm 2001 thì quay về và nhiều lần được bà Hồng động viên, lắng nghe. Sau đó, CLB B93 đã hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng để kinh doanh, ổn định cuộc sống” – anh Lập chia sẻ. 

Từ câu chuyện đời mình, bên cạnh công việc hàng ngày, anh Lập cũng tình nguyện tham gia giúp đỡ những con người lầm lỡ có hoàn cảnh như anh, hoàn lương, phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống.  Những mảnh đời được ghép lại như anh ngày càng nhiều hơn như những cái tên một thời ai cũng tránh: Trần Tiến Hùng, Trần Hồng Hải, Đỗ Hồng Quân...

Họ đã dứt bỏ ma túy để lăn vào mưu sinh kiếm sống. Tất cả đều được câu lạc bộ B93 giới thiệu tới ngân hàng chính sách, quỹ hộ nghèo… cho họ vay tiền để xây dựng cuộc sống.

Hơn 70 tuổi rồi mà tối nào bà Hồng lại cặm cụi đọc tài liệu, các bài giảng tập huấn cùng tham luận. Cái tâm của bà làm chúng ta cảm phục. Ở tuổi xưa nay hiếm rồi, bà vẫn còn nhiều tâm tư lắm, nhất là việc tìm người kế tục công việc chẳng lợi lộc gì của mình.

“Là giáo viên nên tôi hiểu, việc trò chuyện, lắng nghe với các mảnh đời lầm lỡ là rất quan trọng. Con người không ai sinh ra đã xấu. Cần lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu.

Nếu không có đủ tâm và sự nhiệt thành thì rất khó để đồng cảm với những người lỡ lầm đường lạc lối như vậy. Công việc này, cũng thật khó tìm người. Chừng nào chưa tìm được người thay mình, tôi vẫn sẽ cứ đi. Giúp được càng nhiều cháu trở về cuộc sống càng tốt”, bà Hồng nhẹ nhàng chia sẻ.