Người nước ngoài không được phép mua đất tại các đặc khu kinh tế

ANTD.VN -Tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội  sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, không có việc người nước ngoài mua đất đặc khu, điều này vi phạm pháp luật Việt Nam.

Người nước ngoài mua đất là trái pháp luật Việt Nam

Tham gia chất vấn, Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) bày tỏ lo ngại về tình hình phức tạp liên quan đến đất đai ở 3 đặc khu kinh tế, đặc biệt là khi có yếu tố nước ngoài mua đất. Do vậy, vị đại biểu này đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể về thực trạng trên để các đại biểu có thêm thông tin trước khi ấn nút thông qua Dự án Luật đặc khu kinh tế.

Giải trình làm rõ nội dung trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, theo quy định hiện hành, người nước ngoài không có quyền mua đất tại Việt Nam mà chỉ có thể mua các căn hộ chung cư ở các đô thị. “Qua kiểm tra tại một số địa phương chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất. Nếu các đại biểu biết về thông tin về việc nước ngoài mua đất thì thông báo cho Bộ TN-MT để cơ quan này tiến hành xác minh họ làm cách nào mua được. Nếu điều này là có thật thì trái pháp luật Việt Nam, cần kiểm tra cách thức mua” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà  nhấn mạnh.

Bất động sản tại một trong 3 nơi dự kiến trở thành đặc khu đang là vấn đề "nóng"

Liên quan đến sự cố môi trường biển Formosa xảy ra trước đây gây hậu quả nghiêm trọng, Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (đoàn Hải Dương) chất vấn, theo báo cáo thì hiện nay Formosa mới tiếp tục vận hành lò cao số 2 dưới sự giám sát thường xuyên, đột xuất của Bộ TN-MT và các địa phương. Bài học về Formosa rất đắt giá. Bộ trưởng có tin tưởng và đảm bảo hoạt động của Formosa sẽ không tái diễn sự cố như trước đây?

Trả lời câu hỏi trên của đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với việc cho Formosa hoạt động lại, chúng ta đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, trong đó đầu tư công nghệ, bổ sung công nghệ xử lý môi trường với công suất lớn hơn. Bên cạnh đó còn có công nghệ giám sát đánh giá môi trường trực tuyến. Mặt khác, chúng ta có 3 nấc đề phòng sự cố: sự cố ngay nơi sản xuất, sự cố trong phạm vi nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy.

“Với cách làm như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ cho đến khâu giám sát, kiểm tra được yêu cầu chặt chẽ thì không ngành nghề nào để xảy ra ô nhiễm, nếu chúng ta làm tốt” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. 

Có lợi ích nhóm khi doanh nghiệp biến đất công thành đất tư?

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) nêu nhận định có lợi ích nhóm trong việc cổ phần hoá để biến đất công thành đất tư? Làm thế nào ngăn chặn, xử lý tình trạng này?

Cùng chất vấn về nội dung này, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đặt câu hỏi, công tác quản lý đất tại các doanh nghiệp Nhà nước trước khi cổ phần hóa còn nhiều kẽ hở. Theo Bộ trưởng đâu là giải pháp để xử lý triệt để tình trạng này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ đồng tình với đại biểu là do quản lý không chặt chẽ. Trước cổ phần hoá, doanh nghiệp cho thuê, cho mượn đất không đúng quy định và việc này là trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Sau cổ phần hoá, Bộ trưởng cho rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cần tính toán hiệu quả của việc sử dụng đất, lấy lại những quỹ đất doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng để dùng cho mục đích khác. Còn nếu tiếp tục hoạt động, nhà nước cần tính toán cho doanh nghiệp tiếp tục có nguồn lực hoạt động.

Việc doanh nghiệp ngay lập tức chuyển mục đích sử dụng đất như là kinh doanh thương mại hay bán bất động sản thì là làm sai quy định. Thậm chí có việc bán đất với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường vậy nên khi vừa bán xong thì giá đất đó lên rất cao, gây thất thoát tài sản nhà nước. Xử lý việc này là thực hiện đúng quy định công khai giá đất. Nhà nước sẽ tính toán để làm sao doanh nghiệp không thể lợi dụng việc này, bán đất công giá “bèo” vì lợi ích cá nhân.

Không đồng tình với câu trả lời trên, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh tranh luận, cơ bản nhất là làm sao thu hồi lại được những thất thoát này. Ông Sinh dẫn chứng 1 công ty nhà nước tại TP Hồ Chí Minh bán lô đất trụ sở, thu lợi hơn 40 tỷ đồng khi cổ phần hoá.  

Về tình trạng bờ biển bị các đơn vị cá nhân chiếm dụng, Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, bãi biển là của toàn dân, người dân có quyền tự do xuống tắm. Nhưng thực tế bờ biển thậm chí đã bị chắn rào bởi các doanh nghiệp kinh doanh phía trên. Đặc khu như Phú Quốc đã diễn ra tình trạng như vậy. Bộ trưởng giải quyết việc này thế nào?

Liên quan đến nội dung này Bộ trưởng Trần Hồng Hà  lấy ví dụ về Đà Nẵng đã làm được việc quản lý bờ biển, tránh để chia cắt, manh mún là do áp dụng đúng quy định của luật. “Giải quyết việc này cần có sự thoả thuận, đối thoại với cả những nhà đầu tư đã được cấp dự án trước khi Luật Môi trường biển có hiệu lực” – Bộ trưởng nói.