Cảnh sát khu vực Công an Hà Nội chuyên nghiệp, thân thiện (1)

Người nối những nhịp cầu văn hóa

ANTĐ - Sẽ không quá khi nói như vậy về những người CSKV đang làm nhiệm vụ tại các khu vực có nhiều công dân nước ngoài sinh sống hoặc đông người lao động, học sinh sinh viên từ tỉnh ngoài về Hà Nội học tập, làm việc. Là lực lượng gần dân, sát dân nhất, CSKV đã trở thành người kết nối các nền văn hóa, tạo nên một tổng hòa chung của Hà Nội đa sắc màu.
Người nối những nhịp cầu văn hóa ảnh 1
Thiếu tá Trương Văn Ngơi được người dân coi như người nhà

Từ người CSKV ở tòa nhà cao nhất Hà Nội…

Keangnam Tower là một tổ hợp nhà ở cao cấp, văn phòng, trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất Hà Nội. Phần lớn cư dân đang sinh sống trong tòa nhà là người nước ngoài. Thiếu tá Trương Văn Ngơi, CSKV CAP Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm được giao nhiệm vụ “làm dâu trăm họ” tại tòa nhà đặc biệt này. 920 căn hộ là 920 phong cách sống khác nhau và làm thế nào để họ ủng hộ công việc của CSKV là câu chuyện không hề đơn giản.

Nhớ lại những ngày đầu khi tòa nhà Keangnam chính thức đi vào hoạt động, Thiếu tá Trương Văn Ngơi chia sẻ: Việc thăm hỏi nhân dân để xây dựng mối quan hệ, nắm tình hình là điều cốt lõi nhưng ở đây không dễ thực hiện. Các hộ dân hầu hết đều đi làm đến tối khuya mới về nên thời gian thăm hỏi hạn chế. Cá biệt còn có hộ dân “ngại”, không muốn tiếp xúc với CSKV. Số lượng người nước ngoài thuê nhà để ở đông, chiếm gần một nửa số hộ và thường xuyên biến động, bất đồng ngôn ngữ cũng cản trở việc tiếp xúc với người dân của Thiếu tá Ngơi. Không giống như các khu dân cư khác, CSKV có lịch tiếp dân, nếu không gặp thì người dân có thể hẹn. Nhưng ở tòa nhà Keangnam, có thời điểm CSKV khi gặp người dân đều phải hẹn trước, bởi với nhiều người, họ “nại” lý do thời gian là vàng bạc, không bố trí được để gặp CSKV.

Với kinh nghiệm nhiều năm từng làm việc tại các khu dân cư có nhiều người nước ngoài, Thiếu tá Trương Văn Ngơi xác định phải có mối quan hệ chặt chẽ với đội ngũ cán bộ cơ sở như tổ dân phố, để tiếp xúc dần dần với người dân. “Quan trọng nhất là mình phải chân thành, đến với người dân bằng sự gần gũi, không cứng nhắc thì “cửa” nào cũng lọt” - Thiếu tá Ngơi tâm sự.

Cùng Thiếu tá Trương Văn Ngơi đến tòa nhà Keangnam, chúng tôi tiếp xúc với cả người Việt và người Hàn Quốc. Đi đến đâu, cũng gặp những cái bắt tay, nụ cười cởi mở. Thiếu tá Ngơi kể, nhiều người Hàn mới học tiếng Việt, tên CSKV họ gọi còn chưa chuẩn, nhưng anh vẫn rất vui vì như thế họ đã biết đến sự có mặt của mình. Chị Trần Phương Nga, một cư dân của tòa nhà tâm sự: “Tôi lấy chồng người Hàn Quốc, vợ chồng trẻ lại khác biệt nền văn hóa nên thỉnh thoảng cũng xảy ra xích mích. Thú thật, sau nhiều năm sinh sống ở Hàn Quốc, khi về Việt Nam, ban đầu tôi rất e ngại khi tiếp xúc với lực lượng công an. Nhưng trong một lần nhà có chuyện, tôi đã gọi điện cho anh Ngơi. Thật bất ngờ là chỉ một lát đã thấy anh có mặt.

Ngạc nhiên hơn, dù bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa, anh Ngơi đã hòa giải được xích mích trong gia đình tôi, thậm chí dù đã sống với chồng nhiều năm nhưng lúc ấy tôi mới hiểu chồng thêm một phần. Từ đó, tôi có cái nhìn khác về lực lượng công an nói chung, người CSKV nói riêng”.

Hỏi về bí quyết làm được điều đó, Thiếu tá Trương Văn Ngơi chia sẻ: “Người dân sống ở đây đa phần đều có dân trí cao, hiểu biết pháp luật và có phong cách sống rất riêng biệt. Với mỗi người, CSKV phải có góc độ tiếp cận khác nhau, đồng thời cũng phải bổ sung cho mình nhiều kiến thức về pháp luật, hiểu biết xã hội. Có như vậy, người dân mới thấy được cái tâm của người CSKV, ủng hộ mình trong quá trình công tác”. 

…đến người CSKV nơi làng lên phố

Từ 1-4-2014, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm trở thành phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm và cũng là lúc Thượng úy Vũ Đình Cự, CSKV CAP Minh Khai được phân công về địa bàn Tổ dân phố Nguyên Xá, địa bàn chủ yếu gồm người dân các nơi về thuê trọ, học tập, lao động, kinh doanh. Với kinh nghiệm 6 năm làm CSKV ở thị trấn Cầu Diễn, địa bàn cũng từ làng lên phố, Thượng úy Vũ Đình Cự đã nhanh chóng tiếp cận với chính quyền cơ sở, bắt nhịp vào cuộc sống của người dân.

Dù có tốc độ đô thị hóa nhanh, tổ Nguyên Xá, Minh Khai vẫn mang đậm văn hóa làng xã. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng đôi khi mâu thuẫn nhỏ nhặt cũng trở thành câu chuyện lớn. Cư dân sinh sống trong “ô” do Thượng úy Cự phụ trách chủ yếu là người thuê trọ, hộ cá thể. Khó khăn lớn nhất với Thượng úy Cự chính là di biến động dân cư trong khu vực. Vì chủ yếu là người thuê trọ nên cứ thấy nhà ai cho thuê rẻ hơn là họ chuyển. Có khi tháng trước vừa ở nhà này, tháng sau đã chuyển sang cách đó vài nhà. Tưởng bớt một người tạm trú nhưng hóa ra họ vẫn ở trong “ô” của mình.

Nguyễn Thu Thảo, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay: “Chúng em đã quen thuộc với hình ảnh người CSKV uy nghiêm nhưng cũng rất thân thiện. Các anh thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ chúng em. Đợt vừa qua, em được nhà trường xét kết nạp Đảng, Thượng úy Vũ Đình Cự đã giúp đỡ em rất nhiều trong việc xác minh lý lịch”. 

Không chỉ tạo điều kiện giúp đỡ sinh viên, Thượng úy Vũ Đình Cự còn thường xuyên thăm hỏi những gia đình người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó vừa giúp dân, vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Văn hóa làng xã đã giúp người CSKV gần gũi với dân hơn, nắm tình hình tốt hơn vì dù đã lên phường thì cái hồn cốt làng xã, sự quan hệ ràng buộc dòng họ vẫn khiến những người dân nơi ấy gắn bó với nhau. Thượng úy Vũ Đình Cự chia sẻ: “Giờ đây người dân đã quen hơn với hình ảnh người CSKV vì không chỉ riêng tôi mà cả tổ CSKV thường xuyên tranh thủ thời gian tiếp xúc với nhân dân, tuyên truyền hướng dẫn. Người dân có khó khăn, vướng mắc gì đều có thể gặp và giãi bày với CSKV. Biết lắng nghe dân chính là bí quyết để mỗi CSKV hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” - Thượng úy Vũ Đình Cự tâm sự.

Thiếu tá Trương Văn Ngơi và Thượng úy Vũ Đình Cự là 2 trong số hàng nghìn CSKV đang thực hiện nhiệm vụ trên toàn thành phố. Dù còn nhiều khó khăn vì đang làm việc ở địa bàn mới thành lập, trang thiết bị trang cấp còn chưa đầy đủ, nhưng với tâm huyết và lòng yêu nghề, họ đang nỗ lực để đến gần hơn, tạo thành chỗ dựa vững chắc cho người dân để từ đó, dân tin, dân yêu và giúp đỡ lực lượng Công an.

(Còn nữa)