Người lớn xúi trẻ em trộm cắp, nghiện hút, sao không bị xử lý?

ANTD.VN - "Trong quá trình từ nạn nhân trở thành người phạm tội, ai dám khẳng định rằng các em này không lôi kéo, dụ dỗ các em khác", đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ đặt vấn đề trong phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, ngày 27-5.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ

Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang), thực tiễn đời sống xã hội cho thấy trẻ em không tự mình sa đà vào con đường cờ bạc, nghiện hút, ma tuý… nếu không bắt đầu từ hành vi dụ dỗ, lôi kéo, xúi giục của người lớn.

Tuy nhiên, Luật Trẻ em lại chưa xem những hành vi này của người lớn là hành vi xâm hại tới trẻ em, đồng thời qua giám sát thấy không địa phương nào có giải pháp phòng chống hành vi của người lớn trong trường hợp này.

“Hành vi cờ bạc, nghiện hút của trẻ em khởi đầu cho những hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo như lừa đảo, trộm cắp. Đây là khởi nguồn tạo ra những con bạc, tên trộm, người phạm tội hình sự sau này”, ông Bộ nhấn mạnh và đặt vấn đề: “Trong quá trình từ nạn nhân trở thành người phạm tội, ai dám khẳng định rằng các em này không lôi kéo, dụ dỗ các em khác?!”.

Dẫn trường hợp một đối tượng có địa chỉ cụ thể suốt 30 năm nay đã “đào tạo” nhiều thế hệ con cháu nghiện hút, cờ bạc. Trong đội ngũ được “đào tạo” có những đối tượng khác sẵn sàng "nối nghiệp" anh này. Nhân dân địa phương rất bức xúc nhưng chính quyền không xử lý.

“Rất may dịp Covid-19 vừa rồi, các cán bộ Công an chính quy về xã đã làm rất nghiêm túc, xử lý tốt câu chuyện trên”, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói.

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề xuất Bộ Công an chỉ đạo đội ngũ Công an xã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã xử nghiêm hành vi tương tự; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị để chấn chỉnh tình trạng xử lý không nghiêm hành vi của người lớn và trẻ em trong vấn đề này; chính quyền địa phương phải xem hành vi người lớn xúi giục, lôi kéo trẻ em là hành vi xâm hại trẻ em…

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng vẫn còn nhiều “góc khuất” về xâm hại trẻ em, thậm chí đang diễn ra công khai, được cổ xuý mà báo cáo của Đoàn giám sát chưa chỉ ra bởi nó được khoác lên mình “vỏ bọc văn hoá”.

“Khi cậu bé mới 4 tuổi oà khóc vì không giành giải nhất một games show truyền hình, có người xem nào đặt câu hỏi: Liệu ở đây ai đã có hành vi xâm hại trẻ em? Clip đó tồn tại nhiều năm trên mạng xã hội thì đó có phải hành vi gây tổn hại tới thể chất, danh dự, nhân phẩm trẻ em được định nghĩa trong Luật Trẻ em?”, ông Nhân đặt vấn đề và cho rằng các kịch bản games show thiếu nhi hiện nay đều hướng tới chiêu trò nhằm thu hút người xem mà ở đó, trẻ em không khác gì con rối trong tay những nhà sản xuất. 

Nhiều quốc gia tiến bộ đã chính thức cấm các chương trình thực tế có trẻ em, lý do là để bảo vệ các em khỏi các nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển. Tuy nhiên các games show thiếu nhi ở Việt Nam vẫn chưa có điểm dừng bởi “cơn khát” lợi nhuận từ nhà sản xuất và giấc mộng đổi đời từ showbiz chưa có hồi kết.

“Chuyên đề giám sát tối cao lần này của Quốc hội cho người lớn nhìn lại cách mà chúng ta đang đối xử với trẻ em. Các đạo luật chỉ mang tính ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm. Điều cần thiết là những trái tim nhân hậu, tình thương yêu đúng mực. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau hành động để “giữ búp luôn ở trên cành”, trả lại môi trường an lành cho trẻ em”, ông Nhân kết lại.

Số trẻ em bị xâm hại thực tế chiếm 0,035% hay 8%?

Báo cáo của Chính phủ cho biết từ 1-1-2015 đến nay, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại, chiếm 0,035% tổng số trẻ em trên toàn quốc.

Băn khoăn với thống kê trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng thực chất số trẻ em bị xâm hại là: 8.709 trẻ em bị xâm hại trong các vụ việc đã bị xử lý + 156.932 trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc + 13.489 trẻ em tảo hôn thì tổng số trẻ em bị xâm hại = 179.130 trẻ em, bằng 0,72% trẻ em trên toàn quốc.

Nếu tính cả số 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định pháp luật thì con số trẻ em bị xâm hại là 969.648 trẻ em, tương đương 3,61% trẻ em trên toàn quốc, bên cạnh số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại là 1.013.659 em.

"Nếu tính tổng số trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm là 1.983.307, tương đương 8% tổng số trẻ em trên toàn quốc. Đây là con số rất đáng báo động so với con số 0,035% mà báo cáo chỉ ra”, ông Hiển nhấn mạnh và cho rằng việc thiếu hụt dữ liệu thống kê sẽ ảnh hưởng tới công tác dự báo trẻ em xâm hại và xây dựng chính sách thời gian tới.