Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm khi xảy ra bạo lực trẻ em

ANTD.VN - Sáng 1-6, tại trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), Bộ LĐ-TB&XH và UBND thành phố Hà Nội tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “ Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giao lưu với các em học sinh

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua, Quốc hội đã thực hiện giám sát tình trạng xâm hại trẻ em trên cả nước. Theo thống kê, giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại.

Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra nhận định, tình hình xâm hại trẻ em đang tiếp tục gia tăng và biến tướng dưới nhiều hình thức.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể giao phó, trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực của một vài bộ, ngành mà cần có sự thực hiện trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân.

Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, để ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi xâm hại trẻ em cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, thay đổi căn bản từ truyền thống cho đến các cách tiếp cận mới nhất, tuyên truyền từ chính các em, để các em biết phòng ngừa, đề kháng với những cái gì tác động từ bên ngoài.

Phải xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm đến xâm hại, bạo lực, đặc biệt là thân thể trẻ em. Người đứng đầu của mọi cơ quan đơn vị phải trước hết là người chịu trách nhiệm. Nếu như trường nào, cơ sở nuôi dưỡng nào mà xảy ra thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho ai. Tương tự, nếu trong gia đình mà xảy ra bạo lực, xâm hại thì người bố, người mẹ phải chịu trách nhiệm, không thể  đùn đẩy trách nhiệm cho xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương trong Tháng hành động vì trẻ em thực hiện đầy đủ Chỉ thị 23 ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; cũng như những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp về giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 27/5/2020.

Các thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

1. Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

2. Giãn cách xã hội, cơ hội kết nối gia đình.

3. Gia đình cùng vui, đẩy lùi Covid.

4. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

5. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

6. Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình.

7. Hãy đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe máy.

8. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em.

9. Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.

10. Trẻ em hãy học cách tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại.

11. Nói “không" với xâm hại trẻ em.

12. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại trẻ em.