Người dân phản ứng vì đóng thuế nhưng không bình đẳng

ANTD.VN - Dù Bộ Tài chính và một số chuyên gia đã đưa ra nhiều lý lẽ khẳng định việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết và không tác động lớn đến tiêu dùng của người dân nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của dư luận. Phóng viên Báo ANTĐ đã trao đổi với chuyên gia thuế Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam về vấn đề này.

Người dân phản ứng vì đóng thuế nhưng không bình đẳng  ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam

- Thưa bà, nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng thuế VAT trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Tại các nước phát triển, tỷ trọng huy động tiền thuế trực thu, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) bao giờ cũng chiếm tỷ trọng cao. Thậm chí các nước như Thụy Sỹ, Thụy Điển... có những thời điểm tỷ trọng thuế TNCN của họ lên tới 47%. Nhưng ở Việt Nam, tỷ trọng thuế gián thu lại cao hơn. 

Thuế TNCN mới chiếm tỷ trọng khoảng 5-6%, trong khi thuế VAT đang chiếm khoảng 25-27%, rõ ràng, chúng ta thấy bất cập. Chưa kể, chúng ta đang cắt giảm thuế theo hội nhập, hiện nay gần như 85% các dòng thuế giảm. Thuế TNDN đang từ 32% trước kia, giảm dần xuống 28%, 25% và hiện nay 20%; chúng ta đang kiến nghị doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn 15-17%. Thuế TNCN chúng ta cũng dự kiến giãn bậc thuế. 

Thuế trực thu cũng giảm, thuế gián thu cũng giảm nhưng tỷ lệ chi ngân sách cho các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ sở hạ tầng... lại tăng, trong khi đó bội chi ngân sách phải giảm xuống dưới 5%. Chúng ta phải đặt vào hoàn cảnh chung, không chỉ cho Bộ Tài chính mà cho quốc gia, lấy gì để cân đối thu chi ngân sách. Hiện nay ngân sách đến 98% từ thuế và phí, nếu chúng ta không chuyển dịch cơ cấu thì rất khó khăn.

Nghiên cứu thông lệ quốc tế, các nước phát triển hơn ta họ cũng phải tăng thuế gián thu để cân đối ngân sách.

- Vậy theo bà, tại sao việc tăng thuế lại nhận được phản ứng mạnh từ phía người dân?

- Bao giờ cũng vậy, thuế thấp thì dễ, thuế cao đương nhiên khó nhận được đồng thuận. Nhật Bản, Singapore nâng thuế suất các loại thuế tiêu dùng cũng rất vất vả.

Việc thiếu sự đồng thuận ở chỗ tăng thuế lên nhưng kiểm soát chi và quản lý thu thuế lại không tốt. Người dân không có sự tin tưởng, thu tăng lên nhưng chi vào những mục đích người ta không kiểm soát được, rồi tham nhũng, thất thoát, gian lận, trốn thuế... Người dân phản ứng vì đóng thuế nhưng không bình đẳng.

Có những doanh nghiệp nộp thuế lên tới 3 tỷ đồng mỗi năm, trong khi đó có nhiều người có nhiều nguồn thu nhập rất cao nhưng thuế đóng lại rất thấp. Hay hộ kinh doanh thu nhập lớn nhưng nộp thuế khoán thấp, trong khi các doanh nghiệp kê khai nộp thuế theo doanh thu thì nộp cao hơn. Vì vậy, đi đôi với thu thì phải quản lý chi, hạn chế tiêu cực, chống thất thu ngân sách... Có như vậy thì mới đạt được sự đồng thuận của người dân.

- Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần chống thất thu thuế, thu đúng, thu đủ thì đã giúp tăng thu ngân sách, thay vì chúng ta phải tăng thuế. Bà nghĩ sao về đề xuất này?

- Hai biện pháp này phải đi đôi với nhau chứ chỉ chống thất thu là không đủ. Vì yêu cầu chuyển dịch cơ cấu ngân sách là cần thiết để phù hợp với điều kiện kinh tế của chúng ta hiện nay.

- Vậy trong trường hợp nếu chưa thể tăng thuế VAT do không nhận được sự đồng thuận của người dân thì giải pháp trước mắt để tăng thu, giảm bội chi ngân sách là gì, thưa bà?

- Biện pháp trước mắt cho dù có tăng thuế hay không tăng thuế thì ngành thuế phải đảm bảo chống thất thu thuế, thu đúng, thu đủ và không lạm thu. Phải kiểm soát tốt nguồn thuế phát sinh thông qua biện pháp luồng tiền phải đi với tiền hàng, xử lý nghiêm những đối tượng gian lận thuế. 

Hiện nay chúng ta thấy nạn gian lận hóa đơn chứng từ chủ yếu do chúng ta không nắm được luồng tiền và nguồn hàng. Ở các nước, tất cả các điểm bán hàng thì dữ liệu phải kết nối với cơ quan thuế, các cây xăng, các hãng taxi... cũng phải kết nối với cơ quan thuế, cơ quan thuế phải nắm được doanh thu, doanh thu bao nhiêu thì tiền thuế phải tương ứng, không thể gian lận được.

- Như vậy có nghĩa là trách nhiệm của cơ quan thuế chưa hoàn thành nhưng chúng ta lại nghĩ đến việc tăng thuế?

- Đây là trách nhiệm của nhiều ngành. Chúng ta phải có hệ thống cơ sở dữ liệu để kiểm soát. Tôi đi công tác ở nước ngoài và rất ngạc nhiên là họ đưa cho chúng tôi một mẫu tờ khai, trong đó có ghi rõ thu nhập từ tất cả các khoản, và phải khai trung thực vì họ có cơ sở dữ liệu và kiểm soát được.