Người dân Hà Nội cung cấp 76.190 tin về tội phạm hình sự

ANTD.VN - Chiều 7-6, đoàn kiểm tra số 2 của Trung ương về đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương do đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội.

Đồng chí Thào Xuân Sùng phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội chiều 7-6

Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” của Thành ủy Hà Nội nêu rõ, 5 năm qua, công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực.

CATP Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu cho thành phố trong việc thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 58 của Thành ủy Hà Nội, triển khai tới toàn thể các đơn vị. Thành phố đã đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, các hoạt động đối ngoại, các chương trình kỷ niệm lớn diễn ra trên địa bàn, không để xảy ra hoạt động gây rối, bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành các điểm nóng về ANTT và an toàn xã hội.

Công tác cải cách hành chính, nhất là về quản lý nhân - hộ khẩu, cấp căn cước công dân đạt kết quả tốt; công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm về ANTT được tăng cường, trật tự an toàn giao thông được đảm bảo.

Việc quản lý, giáo dục đối với những người phạm tội được đặc xá, tha tù cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Công tác phòng ngừa, chủ động tấn công trấn áp tội phạm tại các địa bàn phức tạp được thực hiện thường xuyên, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh.

Hà Nội đã quan tâm phát triển các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở, củng cố thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Đến nay, toàn thành phố có 265 câu lạc bộ “Phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự”; 541 đội hoạt động xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn; 135 tổ tự quản về trật tự, an toàn giao thông, cùng đó là các mô hình “Dòng họ tự quản”, “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, “Tổ phụ nữ tự quản”…

Thông qua công tác tuyên truyền, tinh thần cảnh giác phòng ngừa tội phạm tệ nạn xã hội của quần chúng nhân dân đã được chuyển biến rõ rệt. Sau 5 năm, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng chức năng 160.000 tin liên quan đến ANTT, trong đó có trên 25.640 tin có giá trị liên quan đến an ninh chính trị, trên 76.190 tin về tội phạm hình sự, 49.260 tin về tệ nạn xã hội…

Từ những nguồn tin này đã giúp lực lượng công an điều tra, bắt giữ 8.154 vụ phạm pháp hình sự; 5.822 vụ buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; 1.154 vụ cờ bạc. Tham gia hòa giải thành công 15.000 vụ mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân, góp phần làm giảm số vụ phạm pháp xảy ra.

Dù vậy, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Hà Nội thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: công tác dự báo tình hình có nơi, có lúc chưa theo kịp tình hình thực tế; tình hình phạm pháp hình sự tuy đã được kiềm chế nhưng còn phức tạp; tại một số địa bàn phức tạp về ANTT, việc xử lý của lực lượng chức năng còn lúng túng…

Trước thực trạng đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, giai đoạn 2017-2021, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 09; tập trung vào đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; củng cố, xây dựng lực lượng bảo vệ dân phòng vững mạnh…

Tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được sau 5 năm triển khai Chỉ thị 09 của Ban Bí thư, đồng thời ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của thành phố để hoàn thiện báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 09 trên cả nước trong thời gian tới.