Người dân Đường Lâm sắp hết khổ

ANTĐ - UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 4142/QĐ-UBND ban hành Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây” giai đoạn 2014-2020. Theo đó, mục tiêu cấp bách cần triển khai là huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử  đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng nằm trong vùng bảo tồn của làng cổ. 

Các yếu tố kiến trúc mới phải được giảm thiểu tại Làng cổ Đường Lâm

Cấp mẫu thiết kế miễn phí

Một trong những vấn đề nan giải hiện nay ở Đường Lâm là việc người dân rất cần xây mới hoặc tu sửa nhà cửa. Để giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, đề án này đưa ra khá chi tiết việc khảo sát, thiết kế “mẫu nhà điển hình”. Trong thời gian tới, 20 mẫu nhà sẽ được trưng cầu ý kiến chuyên gia cùng Bộ VH-TT&DL thẩm định. Mẫu thiết kế sẽ phải thỏa mãn tiêu chí: kiến trúc truyền thống, mái ngói dốc, sử dụng vật liệu truyền thống (gạch trần hoặc đá ong, gạch xây, trát, quét vôi vàng nhạt). Đây là sự lựa chọn cho người dân khi có nhu cầu xây dựng. UBND thị xã phụ trách chỉ đạo thiết kế thi công cụ thể trên diện tích đất ở của hộ dân, phù hợp quy hoạch. Đặc biệt, các hộ dân ở làng cổ sẽ không phải trả tiền thiết kế.

Sự “tồn tại lịch sử” của các ngôi nhà cao 2-3 tầng ngay trong vùng bảo tồn cấp 1 của di sản đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan chung của làng cổ. Vì thế, theo đề án này, nếu hộ dân tự nguyện tháo dỡ, cải tạo nhà xuống thấp tầng theo mẫu thiết kế và quy hoạch được duyệt thì sẽ được hỗ trợ kinh phí tháo dỡ, cải tạo nhà từ ngân sách Nhà nước. Đối với các hộ dân xây dựng trái phép sau khi quy hoạch được duyệt, nhà xây trên đất lấn chiếm không thuộc phạm vi đối tượng áp dụng. 

Hiện tại ở Đường Lâm có 258 nhà loại 3, đó là những ngôi nhà xây dựng hiện đại cao từ 2-3 tầng có ảnh hưởng đến cảnh quan chung của di tích, không đảm bảo nguyên trạng về mặt bằng và không gian của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. 

Sang năm, bắt đầu giãn dân

Xã Đường Lâm có 99 ngôi nhà cổ (nhà cổ loại 1 và loại 2), 10 ngôi đã được tu bổ rải rác từ mấy năm nay. Trong giai đoạn 2014-2016 sẽ tiếp tục trùng tu thêm 10 nhà nữa. Giai đoạn 2017 đến 2020 là 30 ngôi,  49 ngôi còn nằm trong diện trùng tu trong các năm tiếp sau đó. Việc bố trí vốn sẽ được căn cứ vào mức độ xuống cấp của từng trường hợp cụ thể. Mức độ đầu tư từ ngân sách thành phố tối đa là 800 triệu đồng/nhà (mặt bằng thực tế từ 2013) từ nguồn kinh phí chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa hàng năm. Phần kinh phí còn lại sẽ được chi từ nguồn ngân sách địa phương và các hộ dân có nhà cổ tự nguyện đóng góp.

Việc cấp đất giãn cư và kế hoạch tổ chức giãn dân Làng cổ Đường Lâm dự kiến chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2015 thực hiện giãn khoảng 150 hộ có nhu cầu bức thiết, diện tích 4,5ha. Giai đoạn 2, từ 2016 đến 2020 giãn các hộ còn lại, khoảng 470 hộ.

Kể từ năm 2005, khi Làng cổ Đường Lâm chính thức trở thành ngôi làng đầu tiên được xếp hạng di tích quốc gia cho đến nay đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Có thời điểm, Đường Lâm trở thành tâm điểm của dư luận khi hàng loạt các hộ dân đứng đơn đòi trả danh hiệu di sản vì  không được mở rộng diện tích nhà ở trong khi nhân khẩu ngày càng tăng. Tiếp sau đó là hàng loạt các vụ xây dựng trái phép, vi phạm vùng bảo tồn di tích. 8 năm qua, UBND xã Đường Lâm chưa triển khai thực hiện việc giãn các hộ dân trong khu vực làng cổ, nhu cầu tách hộ ngày càng bức thiết. Thêm nữa, việc huy động các nguồn lực, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích còn rất nhiều hạn chế, kinh phí eo hẹp… Trong khi đó, số tiền thu phí tham quan làng cổ chỉ đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên cho bộ máy quản lý và thu phí tại làng cổ, không có nguồn để đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương…

 Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây”- giai đoạn 2014-2020 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành được xem như kế hoạch dài hơi nhưng cụ thể cho từng hạng mục đang cần được tu bổ ở Đường Lâm. Đây cũng là một trong những đề án được cho là khả thi nhất từ trước tới nay, hy vọng giải quyết được tình trạng “dân sinh bức xúc” sống giữa lòng di tích quốc gia.