Người có liên quan không được đưa con rể, con dâu… vào Hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước

ANTD.VN - Nhằm tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung quy định mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Sáng nay, 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trình dự thảo Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, luật này sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 1 chương và 8 điều.

Một trong những sửa đổi đáng chú ý tại dự thảo luật này là thay đổi quy định về doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi để bao gồm cả 2 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Cùng đó, nhằm nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty TNHH, công ty cổ phần có sở hữu của nhà nước trên 50% vốn điều lệ, tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc (bao gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng)…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Điểm đáng chú ý nữa là dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung một chương quy định về hộ kinh doanh. Theo đó, dự thảo luật tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện.

Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải đánh giá tác động thật kỹ của việc đưa hộ kinh doanh vào trong dự thảo luật này, bởi nếu đưa hộ kinh doanh vào luật thì đương nhiên coi họ như doanh nghiệp rồi.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý, trước khi luật hoá quy định về hộ kinh doanh thì cần phải trả lời câu hỏi vì sao hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp? “Lên doanh nghiệp thuế má rất phức tạp, hộ kinh doanh làm gì có kế toán, rồi lên doanh nghiệp phải tiếp thanh tra, kiểm tra cũng chết, không ai mong muốn điều này cả” - ông Phúc phân tích.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn nhưng chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ. “Quan điểm là vấn đề nào đã rõ, đã "chín" thì mới bổ sung, còn nếu không thì chỉ sửa những vấn đề bất cập để phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi” - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.