Người chiến sỹ công an treo cờ lên Tháp Rùa giữa vòng vây của địch

ANTD.VN - Trong những ngày Thủ đô Hà Nội bị tạm chiếm, cuộc treo cờ đêm 18 rạng 19-5-1948 trên Tháp Rùa để chào mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự kiện lịch sử đặc biệt. Tổ học sinh kháng chiến trường Chu Văn An - cơ sở của Công an quận 6 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Người chiến sỹ công an treo cờ lên Tháp Rùa giữa vòng vây của địch ảnh 1Việc Việt Minh treo cờ ở Tháp Rùa gây tiếng vang lớn giữa Thủ đô bị tạm chiếm

Vào thời điểm đó, lá cờ tung bay giữa hồ Gươm là câu trả lời đanh thép đối với kẻ thù xâm lược: Lực lượng kháng chiến đã trở về nội thành. Cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi. 

Trong tổ treo cờ đêm ấy, đã có rất nhiều bài viết về hai Liệt sĩ Nguyễn Sỹ Vân và Nguyễn Văn Quang; còn Liệt sĩ Nguyễn Văn Khâm hầu như rất ít người viết về anh. Tôi áy náy vô cùng, nhất là năm nay, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt anh. Những ngôi mộ chưa có danh tính trong Nghĩa trang Liệt sĩ Phùng, anh nằm đâu đó. Và cuộc tìm kiếm bắt đầu từ những dòng ít ỏi trong sách Kỷ yếu học sinh kháng chiến của Ban liên lạc Học sinh kháng chiến Hà Nội.

Thời thanh niên sôi nổi

Phải kiên nhẫn  lắm và rồi lại nhờ ông Dương Tự Minh, con trai út của GS Dương Quảng Hàm, hiện trong Ban liên lạc Học sinh kháng chiến Hà Nội tìm giúp, tôi mới đến được số nhà 21 của gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Khâm. Chỉ đến hôm nay, trò chuyện với người em trai là ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch, tôi mới thấu tỏ thêm nhiều điều về anh. 

Cha anh vốn quê ở Đồ Sơn - Hải Phòng, lên Hà Nội làm ở Hotel de la Paix (nay là Khách sạn Hòa Bình). Sinh ra trong gia đình có 10 người con, tuổi thơ anh trôi êm đềm trên con phố Hàng Trống, nhìn sang bên kia là mặt gương Hồ Gươm lấp lánh xanh biếc mây trời. 

Cách mạng tháng Tám như luồng gió mới, thổi vào đời sống tinh thần của mọi người dân, mọi lứa tuổi. Khi ấy, anh hăm hở gia nhập đội thiếu niên Mai Hắc Đế của khu Hoàn Kiếm, cùng các bạn tham gia vào các phong trào đời sống mới: học hát Đội ca của nhạc sĩ Phong Nhã, tập đội ngũ để diễu hành trong Tết Trung thu độc lập đầu tiên, giúp các bạn nghèo khó khi cùng với các anh chị Đoàn viên thanh niên khu phố tham gia phong trào nhường cơm xẻ áo…, diệt giặc đói, giặc dốt.

Dưới ánh sáng của cách mạng, niên khóa đầu tiên của trường Chu Văn An do GS Dương Quảng Hàm làm Hiệu trưởng, anh nằm trong thế hệ thanh niên được đào tạo theo mô hình giáo dục mới của chính quyền dân chủ nhân dân để xây dựng đất nước.

Người chiến sỹ công an treo cờ lên Tháp Rùa giữa vòng vây của địch ảnh 2Liệt sĩ Nguyễn Văn Khâm

Treo cờ trên Tháp Rùa

Tháng 12-1946, Hà Nội sôi sục chuẩn bị kháng chiến. Nhiều gia đình đi tản cư, vì “tản cư  là yêu nước”. Anh Khâm theo bố mẹ đi tản cư  ở vùng gần  So-Sở. Đầu năm 1947, giặc Pháp tấn công  ra vùng này, bố anh bị địch bắn chết trong một trận càn. Sau những ngày đau thương, tháng 3-1947, mẹ anh gồng gánh cả gia đình hồi cư về nội thành kiếm kế sinh nhai. Anh trở lại trường Chu Văn An học tiếp lớp cuối cấp phổ thông cơ sở (lớp Đệ Tứ) để lấy bằng Đíp lôm.

Nơi đây, anh gặp lại các bạn cũ. Thực hiện chủ trương của Thành ủy, cần phải trở về vùng địch kiểm soát, xây dựng lực lượng kháng chiến, Công an quận 6 đã tổ chức đường dây và là lực lượng đầu tiên của thành phố thọc sâu vào nội thành, làm nhiệm vụ gây dựng lại cơ sở. Ông Vũ Tá Ngọc, cán bộ công an bí mật hoạt động nội thành, đã bắt mối, gây cơ sở vào nhóm học sinh kháng chiến.

Một kế hoạch hành động đã được vạch ra để gây tiếng vang kháng chiến trong nội thành: Treo cờ tại Tháp Rùa, hồ Gươm vào ngày sinh nhật Bác Hồ. 

Anh Khâm là tổ trưởng quán xuyến toàn bộ công việc, chuẩn bị sẵn cán cờ, lá cờ, nhất là việc bí mật bơi ra hồ sao cho địch không phát hiện được. Nhà anh lúc đó ở 102 Hàng Trống, nên anh thuộc trong lòng giờ quân Pháp đi tuần quanh hồ. Tuy vậy, tất cả phải chu đáo, kỹ càng, tỉ mỉ, vì bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm) ở sát Bờ Hồ. 

Đêm 18-5, anh Khâm cảnh giới, anh Vân và anh Quang bơi ra Tháp Rùa làm nhiệm vụ. Sáng hôm sau, bọn địch ở cả bốt Hàng Trống và Tòa Đốc lý mới nhìn thấy lá cờ, chúng tức tốc ra Tháp giật cờ, nhưng nhân dân đã truyền tai nhau: Việt Minh treo cờ ở Tháp Rùa. Việt Minh đã “ra mắt” người dân bằng hành động quả cảm tuyệt vời như thế. 

Sau cuộc diệt Trương Đình Tri ở cổng Đục (10-10-1947), đây là hành động thứ hai gây tiếng vang lớn, làm cho địch kinh hoàng: Việt Minh đã lọt qua ba hàng phòng tuyến với hàng trăm đồn bốt và hàng nghìn quân canh gác, vào nội thành hoạt động ngay tại sào huyệt của chúng.

Sau cuộc treo cờ, địch ra sức lùng sục cho ra Việt Minh to gan; cuối cùng, chúng đã bắt anh Vân ở ngay tại 50 Hàng Bài ngày 25-5-1948. Anh Khâm sau mấy ngày ẩn nấp ở chùa Lý Quốc Sư, rồi lên đền Ngọc Sơn, bị chúng bắt, đưa về hầm đá ở Cửa Đông giam giữ.

Anh Quang ở 12 Bát Đàn cũng vào chung một nơi giam giữ với đồng đội. Ông Hiếu kể rành mạch: “Chính tôi đưa cơm cho anh Khâm ẩn náu ở chùa Lý Quốc Sư, nên rất nhớ, khi bị bắt, anh tôi không ở đó mà ở đền Ngọc Sơn”.

Cả ba anh kiên quyết không khai, bị địch đưa sang Hỏa Lò lập án. Anh Sỹ Vân bị đi đày ở Khe Tù, Tiên Yên, Móng Cái và hy sinh tại đấy. Hai anh  Khâm và Quang bị chúng đưa lên Phùng giam giữ. Luôn giữ vững khí tiết của người kháng chiến, một lòng một dạ son sắt với cách mạng, cả hai anh đã bị địch bắn chết ở Phùng. Có người nói là chúng đã vứt xác anh Khâm xuống sông Hồng.

Sau ngày Hà Nội được giải phóng, đồng đội đến thăm gia đình anh Khâm, thắp nén hương thơm trước di ảnh. Năm 1960, anh Khâm và anh Vân đều được  công nhận là Liệt sĩ. 

Tôi nhìn lên ảnh anh trên ban thờ: Đôi mắt to, vầng trán cao, thông minh, nét môi kiên nghị. Ông Hiếu ngậm ngùi: những năm gần đây, gia đình tôi đã đi tìm hài cốt anh Khâm, nhưng không thể tìm được. Trong những ngôi mộ chưa có danh tính trong Nghĩa trang Liệt sĩ Phùng, không biết anh nằm ở đâu. Gia đình tôi lấy ngày 27-7 hàng năm để thắp hương cúng giỗ anh.

Còn biết bao Liệt sĩ nằm trong lòng đất thiêng của Thủ đô anh hùng, không để lại gì ngoài tấm hình tuổi mười tám, đôi mươi, xanh mãi những ước mơ…