Người chiến sĩ Công an Thủ đô trong thời đại công nghệ số

ANTD.VN - Cụm từ “tăng tương tác với người dân thông qua mạng xã hội” đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội nêu lên ở rất nhiều chỉ đạo trong năm 2019.

Nhận thức sâu sắc sức mạnh của công nghệ số trong thời đại 4.0, tăng cường hiệu quả công tác, không chỉ ở cấp quận, huyện, thị xã mà các phòng nghiệp vụ CATP cũng tăng cường tương tác với người dân thông qua các trang mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử CATP.

Điểm nhấn của lực lượng Công an Thủ đô 

Người chiến sĩ Công an Thủ đô trong thời đại công nghệ số ảnh 1Trang Fanpage của Công an thành phố đưa vào hoạt động nhằm tiếp nhận, giải đáp kịp thời những kiến nghị, phản ánh của người dân; làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm

Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP thông tin, năm 2019, CATP Hà Nội đã quan tâm đầu tư nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy Công an thành phố, triển khai giai đoạn 2 Bản đồ số về an ninh, trật tự; hoàn thiện, kết nối hệ thống camera, nâng cấp “Trang thông tin điện tử” thành “Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội” với mục đích cao nhất là để phục vụ người dân tốt hơn. 

Từ năm 2012 đến nay, CATP đang duy trì Trang thông tin điện tử với nhiệm vụ tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như về những hoạt động, thành tích, chiến công của lực lượng Công an Thủ đô. Qua một thời gian hoạt động, Trang tin của CATP đã trở thành kênh thông tin hữu ích đối với người dân, thu hút đông đảo bạn đọc truy cập...

Từ ngày 10-10-2019, Cổng Thông tin điện tử Công an thành phố có địa chỉ http://congan.hanoi.gov.vn đã chính thức được vận hành tạo dấu ấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của CATP. Đồng thời mang trên mình hàng loạt nhiệm vụ mới đòi hỏi các đơn vị trong CATP phải phối hợp triển khai, thường xuyên cập nhật thông tin giúp Cổng Thông tin điện tử có thể hoạt động hiệu quả với chất lượng tốt nhất.

Điểm nhấn khác trong tương tác với người dân trong năm 2019 là việc CATP đã thử nghiệm thành công và triển khai “Trang Fanpage của Công an thành phố” nhằm tiếp nhận, giải đáp kịp thời những kiến nghị, phản ánh của người dân; làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. 

Hiệu quả nhìn từ thực tiễn

Gần 3 tháng đi vào hoạt động, 5 đơn vị thường xuyên giải quyết thủ tục hành chính cũng như tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ảnh của nhân dân là Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát Giao thông, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và Trung tâm Thông tin chỉ huy CATP thuộc phòng Tham mưu đã tương tác trực tuyến với người dân thông qua tính năng Hỏi đáp trực tuyến của Cổng Thông tin điện tử...

Những ý kiến góp ý, tố giác tội phạm tới CATP hoặc gửi câu hỏi theo từng lĩnh vực pháp luật cần giải đáp ngày càng nhiều hơn. Những CBCS được phân công làm công việc này không hề cảm thấy mệt mỏi hay bận rộn bởi cảm giác đang san sẻ một phần gánh nặng với lực lượng công an ở cơ sở. Những thắc mắc của người dân được giải đáp, hướng dẫn tận tình và người dân sẽ không phải đi lại quá nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công tác công an. 

Nhớ lại thời điểm cuối tháng 10-2019, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm xảy ra một vụ trọng án. Nạn nhân là anh Nguyễn Cao S trước đó đã có thông tin trên mạng xã hội bị mất tích cùng chiếc xe máy. Anh S là sinh viên một trường cao đẳng, hành nghề chạy “xe ôm” Grab để kiếm thêm thu nhập, trước khi bị mất liên lạc với người thân, anh đã gửi một bức ảnh chụp 2 nam thanh niên mà mình sẽ chở chuyến cuối rồi về nghỉ. Nghi vấn 2 nam thanh niên đó đã sát hại anh S để cướp tài sản, lực lượng công an đã quyết định đăng thông báo truy tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có Fanpage của Công an thành phố. Hàng nghìn chia sẻ đã được các diễn đàn trên mạng xã hội chia sẻ, hé lộ thông tin về 2 nam thanh niên trong ảnh. Và chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ, kẻ thủ ác đã bị lật mặt và đưa về trụ sở cơ quan công an...

Còn ở cấp cơ sở, chuyên đề “Ứng dụng công nghệ thông tin, tương tác giữa Cảnh sát khu vực (CSKV) với người dân, nâng cao hiệu quả đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn đã được nhiều công an quận, huyện, thị xã triển khai. Sự thay đổi rõ rệt chính là sự liên hệ, tương tác giữa CSKV và người dân dễ dàng, thuận lợi hơn. Thông qua kênh tương tác này, người dân và CSKV đã kịp thời trao đổi, cung cấp nhiều thông tin phòng ngừa, tố giác tội phạm, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

Tính từ đầu năm khi bắt đầu triển khai chuyên đề đến nay, Công an quận Hoàng Mai đã nhận được 1.448 tin báo, trong đó có 96 tin về an ninh chính trị, hơn 200 tin liên quan đến hình sự, ma túy giúp lực lượng điều tra giải quyết được 38 vụ việc, bắt giữ 41 đối tượng. Nhiều thông tin về trật tự an toàn xã hội, trật tự giao thông, PCCC, vi phạm trật tự đô thị cũng được người dân trao đổi với lực lượng công an thông qua mạng xã hội.

Chính vì có sự tham gia thông tin nhanh, kịp thời của người dân tại các khu dân cư, nên nhiều đám cháy nhỏ đã được lực lượng PCCC của phường, quận xử lý và đã ngăn chặn được 21 vụ cháy, đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp. Nhiều vụ việc đã được lực lượng Công an cơ sở kịp thời ngăn chặn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bình yên địa bàn.

Điển hình ngày 5-8-2019, Công an phường Đại Kim nhận được trình báo của chị Lê Thị Thanh Hải, trú tại phố Đại Từ, phường Đại Kim về việc khoảng 15h cùng ngày, chị Hải nhận được tin nhắn của em gái qua messenger nhờ chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản mang tên Hà Anh Dũng và chị Hải đã ra ngân hàng chuyển tiền.

Sau đó, chị Hải mở nhóm Zalo của CSKV, đọc được thông tin “Cảnh báo lừa đảo chuyển tiền qua giao dịch trên mạng”; người phụ nữ này hốt hoảng gọi điện cho em gái mới biết bị lừa. Ngay lập tức, chị Hải đến Công an phường Đại Kim trình báo sự việc. Tiếp nhận tin báo, Công an phường Đại Kim đã kịp phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản nhận tiền, giúp chị Hải không bị mất số tiền trên. 

Người chiến sĩ Công an Thủ đô trong thời đại công nghệ số ảnh 2Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội Zalo tương tác với lực lượng công an

Phát huy thế mạnh trong thời đại số

Cổng Thông tin điện tử, trang Fanpage của CATP hay những nhóm Zalo ở cấp cơ sở đang từng ngày, từng giờ phát huy hiệu quả của nó. Với một chiếc điện thoại thông minh - thứ đồ vật mà đại đa số người dân Hà Nội đang sử dụng, sự tương tác của lực lượng công an đến với người dân dường như đang ngày càng gần hơn, dễ nói chuyện với nhau hơn. Khoảng cách từ người chiến sĩ Công an Thủ đô đến với người dân được ngắn lại và công việc của người dân được giải quyết gọn gàng, nhanh chóng.

Thực tiễn cho thấy, khi lực lượng công an ứng dụng công nghệ Internet đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ cơ sở, quần chúng nhân dân và minh chứng rõ nét nhất là số lượng người dân tham gia các nhóm, tương tác với tin, bài ngày càng tăng... Khi địa bàn xảy ra các vụ việc liên quan đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đã được người dân cung cấp thông tin một cách kịp thời cho lực lượng công an xử lý. Ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác với người dân còn giúp công an cơ sở thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của Công an thành phố; nắm bắt thông tin dân cư được nhanh chóng và đảm bảo độ chính xác cao. Cùng với đó, người dân sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, bằng việc phát hiện, phản ánh các di biến động, biểu hiện hoạt động tội phạm. 

Công nghệ thông tin đang hiện hữu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bắt kịp và ứng dụng những mặt tích cực sự phát triển của lĩnh vực này vừa là mục tiêu, cũng là đòi hỏi tất yếu để lực lượng công an làm tốt hơn nữa công tác quản lý xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.