Người chỉ huy mê công nghệ

ANTĐ - Với giọng nói to, âm vang, qua những câu chuyện của Trung tá Vũ Văn Tấn, Trưởng CAP Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, tôi cảm nhận được tình yêu, sự đam mê nhiệt huyết với nghề của anh trong hơn 20 năm khoác trên mình bộ cảnh phục.

Trung tá Vũ Văn Tấn, Trưởng CAP Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai luôn không ngừng trau dồi, học hỏi

Say mê công nghệ

Trung tá Vũ Văn Tấn có niềm đam mê đặc biệt với những phần mềm phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Ngay từ khi CATP Hà Nội triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư toàn thành phố, Trung tá Vũ Văn Tấn cũng muốn làm cho mình một bộ dữ liệu thu nhỏ để quản lý các đối tượng của riêng lực lượng công an.

Suy nghĩ đầy đủ và cặn kẽ về những trường thông tin, về những hiệu quả lợi ích nếu phần mềm quản lý được ứng dụng vào thực tế, CBCS trong lực lượng CAND, từ người thụ lý hồ sơ của Cơ quan CSĐT đến những CBCS làm công tác lưu trữ hồ sơ sẽ được lợi như thế nào, anh quyết định thuê kỹ thuật viên lập trình viết phần mềm quản lý đối tượng. 

Khi phần mềm chính thức được ứng dụng vào thực tế công tác, đối tượng có tên trong “sổ đen” của cơ quan công an sẽ được nhập vào máy từ cấp cơ sở như cấp phường, đội. Nếu như đối tượng này phạm tội, tra trên phần mềm sẽ ra thông tin nhân thân, tiền án, tiền sự và từng bước như vậy những người thụ lý hồ sơ ở cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát, TAND cùng cấp chỉ cần in ra, đính kèm vào hồ sơ.

Đi cùng với đó là các điều luật, văn bản giấy tờ liên quan đến tội danh của đối tượng, tạo điều kiện cho điều tra viên sắp xếp hồ sơ đầy đủ và hoàn thiện trước khi trình Viện kiểm sát. Một giảng viên Học viện CSND biết được thông tin về phần mềm này đã đến tìm hiểu và nghiên cứu.

Trước tính ứng dụng cao vào thực tế của phần mềm quản lý đối tượng, PGS.TS Đại tá Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát đã báo cáo lãnh đạo nhà trường để tiếp tục nghiên cứu. Và dù là người giữ bản quyền phầm mềm, với bao tâm huyết và ý tưởng, Trung tá Vũ Văn Tấn đã tặng lại Học viện CSND để toàn quyền sử dụng.

Hết lòng vì đồng đội

Nói về tình đồng chí, đồng đội, Trung tá Vũ Văn Tấn chia sẻ, trong “ngôi nhà” Điều tra tổng hợp anh gắn bó hơn 10 năm trước khi được điều chuyển về CAP Hoàng Văn Thụ, không hề có thứ bậc giữa chỉ huy và lính. Anh chỉ là người anh cả trong gia đình. Những bữa ăn khuya cho những điều tra viên làm việc muộn đều được anh tự tay nấu nướng, chuẩn bị cho mỗi người. 

Anh luôn tự nhủ, một người chỉ huy dù giỏi đến đâu cũng phải có những người lính tốt thì mới hoàn thành được nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Là người ham học, anh yêu cầu mọi người cũng phải học để nâng cao kiến thức. Anh bảo, chẳng có lý do gì khiến người chỉ huy học hết lớp này đến lớp khác mà lại không tạo điều kiện cho người lính được như thế. Có những CBCS còn do dự, anh tự tay mua hồ sơ đăng ký dự thi, điền thông tin và người lính chỉ cần ôn luyện để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. 

Có những thời điểm ở Đội Điều tra tổng hợp có 15/17 CBCS đi học nhưng với sự điều hành hợp lý của Đội trưởng Vũ Văn Tấn, công việc vẫn chạy “ro ro”. Chia sẻ kinh nghiệm, anh cho biết, qua nghiên cứu, ở nước ngoài nếu muốn công việc thành công thì kỹ năng làm việc nhóm là rất quan trọng, chính vì thế để mọi việc được thuận lợi, anh đã chia nhóm để làm việc.

Bởi theo anh nếu để một người quá nhiều kinh nghiệm trong công tác công an chỉ bảo, kèm cặp người mới vào nghề sẽ tạo áp lực không nhỏ cho chiến sỹ trẻ. Còn nếu làm việc theo nhóm, mọi công việc sẽ được san sẻ, chia đều. Không những vậy, nó còn giúp mỗi CBCS đoàn kết, gắn bó với nhau, sẻ chia, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. 

Đúng theo tiêu chí ấy, khi được điều chuyển về CAP Hoàng Văn Thụ cách đây khoảng 4 tháng, Trung tá Vũ Văn Tấn đã tạo ra từng nhóm theo dõi cụm dân cư, trong đó mỗi nhóm sẽ có 2 cán bộ tổ hình sự, 1 CSKV và 1 cán bộ tổ trật tự. Anh nói sắp xếp như vậy để mỗi CBCS trong từng tổ công tác của CAP hiểu hơn về nhau, hỗ trợ nhau trong công tác, đồng thời giảm áp lực cho mỗi CBCS trong từng mảng việc khác nhau.

Chặng đường dài còn ở phía trước

Rời ngôi nhà chung đã gắn bó từ những ngày đầu ở CAQ Hoàng Mai để chuyển sang một nhiệm vụ hoàn toàn mới cũng là một thử thách với Trung tá Vũ Văn Tấn. Từ một người trực tiếp điều tra các vụ án, anh trở thành một người quản lý đầy đủ các mặt công tác công an ở cấp cơ sở như đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý hành chính, giải quyết trật tự đô thị văn minh trên địa bàn hay những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Hơn 1 tháng sau khi nhận nhiệm vụ mới, anh mới dần mất đi cái cảm giác choáng ngợp và sau đó bình tĩnh sắp xếp lại mọi thứ đi dần vào quỹ đạo. Sức ỳ của một tập thể ở cấp cơ sở đã nhanh chóng được một người quyết liệt bắt đầu được tháo gỡ. Anh công khai số điện thoại và lịch tiếp dân tại trụ sở CAP, mỗi tuần 2 lần đi xuống địa bàn dân cư để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Đối với CBCS trong đơn vị anh vẫn giữ vai trò là một người anh cả, không hề có sự phân biệt chỉ huy và lính. Ấn tượng không bao giờ quên của mỗi CBCS CAP Hoàng Văn Thụ chính là sự quyết liệt, nghiêm khắc trong công việc nhưng cũng đầy tình cảm trong cuộc sống hàng ngày. 

Ngày 8-3, CAP tổ chức mời cả gia đình CBCS đến dự bữa cơm thân mật tại đơn vị. Ban chỉ huy đề nghị đặt nhà hàng mang đến nhưng với sự khéo léo của chính Trung tá Vũ Văn Tấn và 2 “cộng sự” tại CAP, tự tay anh và đồng đội đã vào bếp trực tiếp nấu để mời “đại gia đình” người thân. 

Ngoài đời là thế, nhưng khi nghe anh nói về công việc mới thấy anh là người nghiêm túc như thế nào. Để nâng cao trình độ CBCS, với bề dày chuyên môn của mình, anh đã tự tìm và biên soạn tài liệu, ra đề bài ngay từ đầu tuần yêu cầu CBCS phải học và đến cuối tuần, tại chính hội trường của CAP sẽ diễn ra... một kỳ thi đúng nghĩa.

Tất cả để điện thoại ở bên ngoài, chỉ mang theo giấy trắng và một chiếc bút vào làm bài thi nghiệp vụ. Nếu không làm được, tuần sau sẽ tiếp tục với đề bài đó, sau 2 tuần vẫn không hoàn thành bài kiểm tra, chiến sỹ đó sẽ bị phân loại thi đua ở mức thấp. Anh bảo, làm vậy vừa để CBCS nâng cao trình độ, cũng là xây dựng một phong cách trong văn hóa ứng xử với người dân.

Anh còn dự định đang ấp ủ thực hiện, đó là hệ thống camera an ninh sẽ được lắp đặt trên phường bằng một hạ tầng đồng bộ nhất, tăng cường các tổ tuần tra kiểm soát và liên lạc bằng bộ đàm để khi phát hiện xảy ra vụ việc thông qua màn hình an ninh sẽ có mặt trong thời gian sớm nhất, rồi tàng thư căn cước công dân cấp phường, một đột phá trong cải cách hành chính của CAP Hoàng Văn Thụ trong quá trình phục vụ nhân dân.

Đặc biệt với khả năng thông thạo công nghệ cao, anh luôn muốn được ứng dụng những kiến thức đó vào công việc của mình, dù trên cương vị một người đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp CAQ hay là Trưởng CAP Hoàng Văn Thụ thời điểm hiện tại.