Ngừng chấm điểm hàng ngày với học sinh tiểu học

ANTĐ - Chủ trương thay chấm điểm bằng nhận xét với học sinh tiểu học đã được nêu ra từ đầu năm học 2014-2015, nhưng ngày 15-10 quy định này mới chính thức có hiệu lực. Nhiều khó khăn đã xảy ra khi áp dụng cách làm mới, song các nhà quản lý khẳng định sẽ điều chỉnh và tháo gỡ dần.
Ngừng chấm điểm hàng ngày với học sinh tiểu học ảnh 1
Không còn điểm kém gây tâm lý xấu cho học sinh tiểu học

Phụ huynh “kiện” vì con vẫn bị chấm điểm

Từ 15-10, các trường tiểu học trên toàn quốc sẽ ngừng đánh giá học sinh bằng điểm số. Trước đó, các trường đều đã triển khai nội dung này đến các giáo viên và phổ biến thông tin tới phụ huynh ngay từ buổi họp đầu năm học. Có lẽ vì được tiếp cận thông tin này sớm, tại quận Đống Đa, nhiều phụ huynh học sinh đã phản ánh với ban giám hiệu nhà trường khi thấy giáo viên lớp con mình vẫn đánh giá học sinh bằng điểm số.

Không phải phụ huynh nào cũng sớm thích ứng với thay đổi này. “Về nhà, hết mẹ lại tới ông bà cứ hỏi con là hôm nay con được mấy điểm, có được điểm 10 không? Nếu được 10 con sẽ được thưởng. Nhưng từ đầu năm học tới giờ, cô không chấm bài, con không được điểm 10 nào nên chẳng được thưởng gì, bố mẹ cũng chẳng khen con học tốt nữa” - cháu Nguyễn Phương Lan, học sinh trường tiểu học Khương Thượng cho biết.

Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến - Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết, đa số phụ huynh vẫn chỉ quan tâm đến điểm số, không quan tâm nhận xét của giáo viên như thế nào. Việc không chấm điểm, theo phản ánh của nhiều giáo viên, tuy có tác dụng giảm áp lực điểm số, song lại rất dễ khiến học sinh lơ là việc học, không tạo ra động lực để phấn đấu. Con không áp lực, bố mẹ không có sức ép... dẫn đến chất lượng dạy - học có thể sẽ không cao.

Khó cũng phải làm

Nhiều giáo viên tiểu học khi tiếp cận với yêu cầu mới cho rằng, việc nhận xét học sinh hàng ngày gây ức chế cho giáo viên bởi đòi hỏi quá nhiều thời gian. “Yêu cầu phải nhận xét, nhưng nếu ghi theo kiểu “có tiến bộ”, “rất tốt”... lại không được. Thay điểm số bằng dán hình mặt cười, bông hoa, các con rất thích nhưng cũng bị cấm. Ngày nào cũng phải ghi sổ, tôi thấy rất mệt mỏi. Hơn nữa, lớp có hơn 50 học sinh, ngày nào cũng nhận xét, biết nhận xét cái gì?” - một giáo viên chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến cho biết, đối với giáo viên, việc làm sao để nhận xét phù hợp, không trùng lặp là không dễ. “Trên địa bàn quận, hầu hết các lớp có sĩ số lớn nên việc nhận xét khiến giáo viên mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm ra biện pháp để tháo gỡ. Hiện giáo viên đã được hướng dẫn không phải ngày nào cũng nhận xét tất cả học sinh trong lớp. Chỉ những trường hợp tiến bộ hoặc cần nhắc nhở, cố gắng hơn nữa thì mới cần nhận xét” - bà Nguyễn Thị Kim Xuyến chia sẻ.

Giải thích về khả năng học sinh thiếu động lực học tập khi không được chấm điểm, bà Xuyến cho biết, với các môn học như Toán, giáo viên vẫn chấm bài nhưng không cho điểm mà thay bằng nhận xét.  Qua cách chữa, nhận xét của cô giáo, học sinh vẫn nắm được trình độ của mình được đánh giá ở mức nào. Tất nhiên, việc này cần có thời gian để làm quen với cả 3 bên, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Cũng theo bà Xuyến, hiện toàn bộ 17 trường tiểu học công lập và ngoài công lập của quận này đã được tập huấn và triển khai quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học.

Trước những băn khoăn của giáo viên cũng như phụ huynh, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, nguyên tắc mới được áp dụng là vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện, giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Trên thực tế, các nước có nền giáo dục tiên tiến, đã áp dụng phương pháp này từ lâu và đã phát huy hiệu quả.