Ngư dân vẫn rất kiên cường bám biển, dù gặp nhiều biến cố trên Biển Đông

ANTĐ - Liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam khẳng định, Hội nghề cá Việt Nam phản đối hành động đơn phương, hết sức phi lý của Trung Quốc. Lệnh cấm này của Trung Quốc là vô giá trị.

Ngư dân vẫn rất kiên cường bám biển, dù gặp nhiều biến cố trên Biển Đông ảnh 1

- PV: Hội nghề cá Việt Nam đã phản đối  lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của
Trung Quốc như thế nào, thưa ông?

- Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam: Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông mà đã diễn ra nhiều năm nay, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, dẫn đến sản lượng khai thác hải sản bị giảm sút. Việc làm này của phía Trung Quốc là vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngày 18-5, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn phản đối lệnh cấm đánh bắt cá vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Hội nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối hành động đơn phương, hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Lệnh cấm trên của phía Trung Quốc là vô giá trị. Hội nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu sớm ngăn chặn, chấm dứt hành động trên của Trung Quốc.

-  Âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông đã quá rõ, mục đích đằng sau lệnh cấm đánh bắt vô lý này của Trung Quốc không phải là chuyện đánh bắt hải sản, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thực chất, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là về vấn đề khai thác thủy hải sản trên biển. Sâu xa hơn, từ chuyện đánh bắt hải sản họ ra lệnh cấm biển để khẳng định chủ quyền vô lý của mình trên Biển Đông.

 - Ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc gây áp lực như thế nào để thi hành lệnh cấm vô lý của mình?

- Họ thường dùng những tàu chấp pháp ngăn cản ngư dân Việt Nam khai thác ở vùng biển giáp ranh, ngay trong vùng biển của chúng ta. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng lợi dụng đưa rất nhiều tàu cá của họ tới đánh bắt bất hợp pháp ở sâu trong vùng biển nước ta, ngay gần quần đảo Trường Sa. Đáng nói, họ thường bắt bớ, tịch thu ngư cụ, đánh đập và đòi tiền chuộc ngư dân. Mục đích của Trung Quốc là gây áp lực lên ngư dân Việt Nam, để ngư dân không dám ra khơi đánh bắt cá nữa. 

Ngư dân vẫn rất kiên cường bám biển, dù gặp nhiều biến cố trên Biển Đông ảnh 2Chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: Thu Hương

Với những hành động thô bạo như vậy, chắc chắn ngư dân Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Song, có một điều đáng tự hào là ngư dân Việt Nam rất kiên cường bám biển. Trải qua bao đời nay, mặc dù gặp nhiều biến cố trên Biển Đông, nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển, một mặt vì đây là kế sinh nhai, mặt khác để bảo vệ, khẳng định với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

- Hàng năm xảy ra rất nhiều vụ việc tàu Trung Quốc bắt bớ ngư dân, đòi tiền chuộc… Hội nghề cá đã vào cuộc, hỗ trợ như thế nào để ngư dân yên tâm hơn?

- Mỗi khi có sự việc xảy ra, Hội Nghề cá Việt Nam đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ, có công văn yêu cầu cơ quan chức năng của Trung Quốc giải quyết sự việc, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam. Về phía ngư dân, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nắm rõ luật lệ trên biển, về vùng biển chủ quyền để thực hiện đúng khi đánh bắt cá trên Biển Đông. Tuyên truyền, khuyến khích bà con tổ chức đánh bắt hải sản theo tổ đội, không đi đơn lẻ để có thể giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau trên biển. 

Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan thực thi pháp luật trên biển cần thường xuyên có lực lượng ứng trực sẵn sàng để tăng cường bảo vệ ngư dân khi bị phía Trung Quốc uy hiếp. Đồng thời cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách về khai thác cá biển, hỗ trợ ngư dân như Nghị định 67 của Chính phủ vừa qua để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.