Ngộ độc thực phẩm vẫn rình rập

ANTĐ - Cuối tuần qua, một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã xảy ra tại Lâm Đồng khiến 1 người tử vong và ít nhất 30 người khác phải nằm viện điều trị. Tại Hà Nội, từ đầu hè đến nay tuy chưa xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào song có khá nhiều trường hợp đơn lẻ nhập viện liên quan đến thực phẩm.

Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng

Mùa hè, ngộ độc thực phẩm gia tăng

Qua xác minh, nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, nhiều khả năng do món bánh mì. Trước khi nhập viện, các nạn nhân đều mua và ăn bánh mì tại một quán nằm trên quốc lộ 20, xã Hiệp An. Sau khi ăn các nạn nhân bắt đầu có những biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, đau bụng đi ngoài, nôi ói, huyết áp xuống thấp...

Đây chỉ là một trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể được ghi nhận trên cả nước kể từ đầu năm đến nay. Tại TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 248 người mắc, bằng số vụ ngộ độc tập thể, số người mắc xảy ra trong cả năm 2014 và chỉ kém 1 vụ so với năm 2015. Đáng chú ý, có đến 3 vụ ngộ độc thực phẩm là do thức ăn sẵn gây ra.

Tại Hà Nội, dù chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào song rải rác vẫn ghi nhận nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu. Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 5-2016, có ngày trung tâm tiếp nhận hơn 10 trường hợp ngộ độc thực phẩm vào điều trị, trong đó, chiếm tỷ lệ cao là các nạn nhân bị ngộ độc do sử dụng các suất ăn sẵn do các cơ sở dịch vụ cung cấp. 

Lo ngộ độc ở các bếp ăn tập thể

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, cơ quan chức năng lo ngại nhất là ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Qua kiểm tra, khảo sát, 70% vụ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở các doanh nghiệp cung cấp suất ăn bên ngoài nhà máy nên việc kiểm soát rất khó khăn.

Tuy nhiên, ngay tại bếp ăn do các nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất tự tổ chức, qua các đợt kiểm tra vẫn phát hiện nhiều sai phạm như: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không đạt về điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn; vi phạm về lưu mẫu; một số bếp ăn vẫn sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc…

Liên quan đến vấn đề này, ngày 20-6, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội vừa tổng kết Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2016. Theo đó, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây có thể xem là một thành công của thành phố bởi  vào thời điểm này năm ngoái, Hà Nội đã xảy ra liên tiếp 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở 2 khu công nghiệp, khiến hàng trăm người phải nhập viện. Có được thành công này là nhờ Hà Nội đã tập trung quyết liệt thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bếp ăn tập thể, đồng thời có cơ chế phối hợp cụ thể với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố để triển khai mạnh mẽ đến từng nhà máy, từng bếp ăn tập thể. 

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, nếu chúng ta chủ quan, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi mùa hè vẫn còn rất dài, nhất là trong bối cảnh nguồn gốc thực phẩm đưa vào thành phố vẫn chưa thể kiểm soát được triệt để và thức ăn đường phố, hàng rong còn phổ biến. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 35 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.855 người bị ngộ độc, 2 trường hợp tử vong. Trong tháng 5-2016, cả nước đã xảy ra tới 9 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 469 người bị ngộ độc.