Nghiêm cấm việc phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên

ANTĐ - Dù Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã được thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2015, song đến thời điểm hiện tại, vẫn còn không ít người dân chưa biết về các quy định mới trong luật. Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội đã trao đổi về một số điểm mới đáng chú ý.

- PV: Luật sư có thể cho biết một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2014?

- Luật sư Lê Hồng Vân:  Nội dung Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã cụ thể hóa tinh thần Điều 43 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, với một số điểm mới cơ bản như Quy hoạch bảo vệ môi trường, đây là nội dung hoàn toàn mới của Luật Bảo vệ môi trường 2014. Ngoài ra, luật cũng đã bổ sung quy định nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường… 

- Những hành vi bị nghiêm cấm lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cũng được nhiều người dân quan tâm…

- Luật đã quy định thêm những hành vi bị nghiêm cấm như: Hành vi phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường; vận chuyển chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường; thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào không khí; đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật… 

- Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan được quy định ra sao, thưa bà?

- Luật quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường tại Chương XV. Quy định trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia phản biện và giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Luật cũng tôn trọng, tạo cơ hội để các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia mọi hoạt động về bảo vệ môi trường. Điều 145, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chung về 2 trách nhiệm và 5 quyền hạn của các tổ chức này và giao cho cơ quan quản lý môi trường các cấp tạo điều kiện cho các tổ chức thực hiện các quyền hạn đó. 

- Xin cảm ơn bà!