Nghiêm cấm quảng cảo sản phẩm thay thế sữa mẹ trong bệnh viện

ANTĐ - Từ 1-3-2015, Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực đã quy định nghiêm cấm hành vi quảng cáo, tiếp thị tất cả các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi, song qua một nghiên cứu độc lập vừa thực hiện tại Hà Nội, vi phạm trong lĩnh vực này hiện vẫn rất phổ biến.

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo phân tích tuân thủ và vi phạm Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 5-7.

Quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ phổ biến sẽ tác động

tiêu cực đến quyền bú mẹ của trẻ nhỏ (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, hiện tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta chỉ đạt 19,6% và gần như không cải thiện trong nhiều năm gần đây. Nghị định 100 có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền được bú sữa mẹ của trẻ em, cũng góp phần giảm giá sữa đang leo thang trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, Nghị định 100/NĐ-CP cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ dưới bất kỳ hình thức nào: giới hạn cấm này áp dụng cho các sản phẩm cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và núm vú giả. Đồng thời Nghị định cũng yêu cầu quảng cáo thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải có nội dung khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và chỉ rõ rằng sản phẩm chỉ được dùng để bổ sung cho sữa mẹ đối với trẻ trên 6 tháng tuổi…

Tuy nhiên sau một năm triển khai thực hiện nghị định, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn khá phổ biến và ngày càng tinh vi hơn. Báo cáo kết quả một nghiên cứu độc lập thực hiện tại Hà Nội vào tháng 7, 8 năm 2015 về vấn đề này cho thấy, qua khảo sát với 814 phụ nữ, có đến 80% số phụ nữ cho biết họ vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con.

Rất nhiều phụ nữ còn cho biết họ được đại diện công ty giới thiệu về sản phẩm thay thế sữa mẹ. Qua khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm (44,7%) có hoạt động khuyến mại sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý.  Vẫn có tới gần 4% số phụ nữ mang thai hoặc sinh con cho biết họ được nhân viên y tế của các cơ sở y tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Đặc biệt, nghiên cứu còn cho thấy có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm thay thế sữa mẹ cụ thể; nhân viên y tế ở 13 trong số 38 cơ sở y tế (chiếm 34,2%) được khảo sát nói rằng đại diện các công ty sữa đã đến cơ sở y tế của mình với ý định nói chuyện với các chị em, thu thập thông tin liên lạc của các phụ nữ này hay cung cấp các tài liệu quảng cáo cho họ, đây là sai phạm rất nghiêm trọng…

Trước thực trạng trên, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, để Nghị định 100 phát huy tốt hơn việc bảo vệ nguồn sữa mẹ, bảo vệ quyền bú sữa mẹ của trẻ em, cần có các giải pháp giảm bớt tác động từ những quảng cáo thái quá, không đúng của các hãng sữa đến quyền tiếp cận nguồn sữa cho trẻ nhỏ của các bà mẹ.

Mặt khác, để nâng cao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ trong thai kỳ và cho con bú cần được quan tâm hơn thì, cần có các chính sách, giải phải giúp các bà mẹ một cách tốt nhất để thực hiện việc cho con bú hoàn toàn 6 tháng đầu đời.