Nghĩa tình nơi biên cương Tổ quốc
(ANTĐ) - 5h sáng 13-2 đoàn công tác Báo ANTĐ lên đường đi Cao Bằng. Rời Hà Nội từ lúc tờ mờ sáng, Thượng tá Đào Lê Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng đi không ngừng nghỉ để trong thời gian sớm nhất có thể trao tận tay những món quà cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa còn đặc biệt khó khăn nơi biên cương Tổ quốc”.
Thác Bản Giốc - Cao Bằng |
“Bà con vẫn nhớ lắm!”
Đường lên Cao Bằng nổi tiếng khó đi bởi núi đèo ngang dọc, nhưng để đến được những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đoàn công tác chúng tôi còn phải vượt qua những cung đường xấu gấp hàng chục lần.
Qua trung tâm thị xã chừng 10km, chiếc xe 2 cầu phải gồng mình, tiếng máy gầm rít, khét lẹt vượt qua những khúc cua tay áo, khúc khuỷu của hàng chục con dốc vô danh để tới với bà con nghèo tại xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An. Cánh đây 5 năm, đoàn công tác xã hội Báo ANTĐ đã đến với huyện Hòa An và Báo ANTĐ đã xây tặng xã Hồng Việt một nhà văn hóa dành cho các em nhỏ làm nơi vui chơi giải trí.
Ngày ấy Hồng Việt là một xã thuộc loại nghèo nhất nhì huyện Hòa An. Mất 3 tiếng đồng hồ chỉ để vượt qua khoảng cách chừng 20km chúng tôi mới tới được xóm Lam Sơn Thượng. Khi đến nơi trời đã tối mịt, nhưng đồng chí Bí thư chi bộ Nông Ngọc Duyên vẫn đứng để chờ đoàn công tác.
Bắt tay chúng tôi, đồng chí Nông Ngọc Duyên cho biết: “Xóm Lam Sơn Thượng có 108 hộ gia đình. Cả xóm đều làm nông nghiệp, một năm chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa, đất thì ít, dân lại không có nghề phụ vì thế gần như cả thôn đều đói, nhất là mùa giáp hạt”.
Bà con thôn Lam Sơn Thượng vui vì được Báo ANTĐ tặng tivi và chăn ấm |
Nhận từ tay Thượng tá Đào Lê Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô những món quà tình nghĩa ngày đầu xuân, đồng chí Duyên không giấu được xúc động: “Lâu lắm rồi, bà con ở đây mới nhận được nhiều quà như thế này. Trong đó có cả những chiếc tivi, một thứ tài sản mà không ít người dân của thôn chỉ dám nghĩ đến trong mơ. Món quà của Báo An ninh Thủ đô dịp đầu xuân sẽ là nguồn động lực giúp người dân nơi đây vượt qua những khó khăn hiện tại”.
Nhắc lại chuyện cũ, đồng chí Duyên vẫn không giấu được vẻ tự hào: “Nhà văn hóa của thôn Lam Sơn Thượng mà Báo An ninh Thủ đô xây dựng tặng bà con năm 2004 cho đến nay vẫn là nhà văn hóa lớn nhất của huyện. Mọi cuộc họp của thôn xóm này thường được tổ chức tại đây. Thay mặt bà con xóm Lam Sơn Thượng, tôi xin ghi nhận và cảm ơn Báo An ninh Thủ đô đã đến tặng bà con nghèo...”.
Với những người lính biên cương
Sáng 14-2, những món quà tình nghĩa của An ninh Thủ đô lại tiếp tục hành trình đến với những người lính nơi biên cương Tổ quốc tại Trạm kiểm soát biên phòng thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh. Ra đón chúng tôi là đồng chí Hoàng Công Hiền - Phó Trạm trưởng biên phòng.
Những món quà xuân tặng chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) |
Có lẽ chưa bao giờ không khí của trạm lại vui đến thế, anh Hiền nói: Đây là lần đầu tiên anh em lính biên phòng chúng tôi được đón tiếp những chiến sỹ của Công an Hà Nội lên tận nơi chia sẻ tình cảm. Các chiến sỹ của trạm đóng quân tại tất cả những điểm xa xôi hẻo lánh nhất của huyện, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, chính vì thế, những món quà nghĩa tình của Báo An ninh Thủ đô là sự động viên rất lớn đối với những người lính trẻ nơi biên thùy.
Bắt tay thật chặt những người đồng chí, Thượng tá Đào Lê Bình xúc động chia sẻ: “Phóng viên Báo An ninh Thủ đô nói riêng và Công an Hà Nội nói chung lên đây trước tiên là thăm hỏi và được san sẻ những khó khăn vất vả của những người lính biên phòng đang ngày đêm giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng thời cũng muốn gửi một chút quà nghĩa tình của nhân dân Hà Nội tới từng người lính với mong muốn gánh đỡ phần nào những trọng trách khó khăn mà các anh đang đảm nhiệm”.
Có một điều bất ngờ với chúng tôi, đó là dù cách xa Hà Nội hàng trăm cây số, nhưng tờ báo mà những người lính vùng biên này ưa thích và thường xuyên đọc nhất lại chính là An ninh Thủ đô. Đồng chí Hoàng Công Hiền nói vui: “Chúng tôi tuy ở xa, nếu muốn nắm thông tin Thủ đô thì chỉ có duy nhất “kênh” này. Tờ báo là người bạn rất thân thiết với cánh lính trẻ.
Mặc dù báo đến thường chậm mất 2-3 ngày. Nhưng không vì thế mà với chúng tôi nó mất đi tính thời sự”. Chia tay với những người chiến sỹ tại trạm biên phòng, chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của những gương mặt rắn rỏi, những cái bắt tay thấm đượm nghĩa tình của các chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ tại biên giới xa xôi.
Nguyễn Hiếu - Việt Anh