Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là cần thiết

ANTD.VN - Chiều 12-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đa số đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết.

 ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) góp ý xây dựng dự thảo Nghị quyết

Theo ĐB Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ), dù cố gắng đến đâu cũng không thể xóa được hoàn toàn nợ xấu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Nhưng trách nhiệm của hệ thống là phải có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nợ xấu ở mức độ có thể chấp nhận được. “Chính vì vậy trên cơ sở Nghị quyết này, hệ thống ngân hàng cần tranh thủ điều kiện thuận lợi để xử lý dứt điểm “cục máu đông” đã tích tụ bấy lâu nay”, ĐB Cao Đình  Thưởng nhấn mạnh. 

Không đồng tình với quy định dự thảo Nghị quyết có thời hạn 5 năm tính từ 1-1-2017, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) phân tích: “Điều này bất hợp lý. Vì trường hợp sau 5 năm còn nợ xấu thì pháp luật dựa vào điều khoản nào để điều chỉnh? Hay có thể nợ xấu kéo dài 3 năm mà hệ thống pháp luật của mình đã ban hành đầy đủ thì có cần phải thực hiện Nghị quyết này không?”. 

Còn theo ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh), Nghị quyết cần được sớm ban hành để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, sớm khai thông nguồn vốn tín dụng và hạ lãi suất để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Minh cho rằng phạm vi nợ xấu cần xử lý trong dự thảo là quá rộng, không phù hợp. 

Băn khoăn về quy định đối tượng ưu tiên trong xử lý nợ xấu, ĐB Trần Sỹ Thanh (đoàn Lạng Sơn) đề nghị cân nhắc tới bà con nông dân vì đây là đối tượng yếu thế trong xã hội. “Hiện nay chúng ta đang nắm giữ bao nhiêu “sổ đỏ” của nông dân, trong đó bao nhiêu cái là nông dân tự đi thế chấp, bao nhiêu cái là do bị lừa đảo, lợi dụng mang đi thế chấp? Nếu không có thứ tự ưu tiên hợp lý cho đối tượng này, có thể gây bất ổn xã hội”, ĐB Trần Sỹ Thanh nói. 

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tái khẳng định, quan điểm Chính phủ không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Theo kế hoạch ngày 21-6 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong phiên họp hôm qua (12-6), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quản lý ngoại thương và thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.