Nghị định 103: khởi đầu cuộc chiến chống lãng phí niềm tin

Nghị định số 103/2007/NĐ-CP do Thủ tướng ký ngày 14/6 và được công bố rộng rãi ngày 20/6 vừa qua đã thể hiện một quyết tâm mới và mang lại một niềm tin mới.

Nghị định 103: khởi đầu cuộc chiến chống lãng phí niềm tin

Nghị định số 103/2007/NĐ-CP do Thủ tướng ký ngày 14/6 và được công bố rộng rãi ngày 20/6 vừa qua đã thể hiện một quyết tâm mới và mang lại một niềm tin mới.

Chúng ta đã có đến hai bộ luật về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, áp dụng từ tháng 2/1998 và tháng 6/2006. Thế nhưng những vi phạm, dù là rất lớn, vẫn nằm ngoài phạm vi xử lý.

Lãng phí vật chất mới chỉ là một phần nhỏ của những lãng phí đang xảy ra từng ngày từng giờ trong xã hội (ảnh: www.thanhtra.gov.vn)

Lãng phí vật chất mới chỉ là một phần nhỏ của những lãng phí đang xảy ra từng ngày từng giờ trong xã hội (ảnh: www.thanhtra.gov.vn)

Có rất nhiều vụ lãng phí nhưng vẫn không xử lý theo luật được, vì có ba điều không rõ ràng: xác định vi phạm, đối tượng chịu trách nhiệm, và hình thức xử lý.

Nghị định số 103/2007/NĐ-CP do Thủ tướng ký ngày 14/6 và được công bố rộng rãi ngày 20/6 vừa qua đã thể hiện một quyết tâm mới và mang lại một niềm tin mới. Cho đến nay, chưa có Nghị định nào ở cấp Chính phủ lại có những quy định vụ thể như vậy về hành vi phải chịu trách nhiệm, đối tượng chịu trách nhiệm, và hình thức xử lý.

Một Nghị định dũng cảm

Nói là dũng cảm, vì Nghị định đề cập thẳng thắn đến trách nhiệm của người đứng đầu. Trong hệ thống quản lý nhà nước, người đứng đầu cao nhất là Thủ tướng.

 Lãng phí đã được nói đến không biết bao nhiêu lần trên báo chí và trên các văn bản chính thức. Thường thì những con số đi kèm theo đó lớn hơn rất nhiều lần với những con số đi theo hai từ tham nhũng. Tuy nhiên, mỗi lần một vụ tham nhũng được đưa ra thì dư luận xôn xao phẫn nộ, còn một vụ lãng phí thì dường như dễ đi vào quên lãng hơn.

Chính Thủ tướng đã ký một Nghị định để cho thấy: khi người lãnh đạo cao nhất dám nhận trách nhiệm, không có lý do gì để lãnh đạo các đơn vị, các bộ ngành có quyền chối bỏ trách nhiệm.

Không chỉ là dũng cảm, mà đây còn là một tiền lệ đáng mừng. Từ cách đưa ra những quy định rất cụ thể cho những khái niệm tưởng như mơ hồ, người dân hy vọng là tiếp theo sẽ có những quy định cụ thể khác. Từ trước đến nay, những khái niệm luật pháp như “thiếu tinh thần trách nhiệm” và “cố ý làm trái” chỉ được “vận dụng” ở những trường hợp xử lý điển hình, trong khi hiện tượng vi phạm thì vẫn xảy ra tràn lan trong mọi cấp, mọi lĩnh vực.

Đây cũng là một đột phá để có thể kỳ vọng tiếp theo sẽ có các quy định cụ thể về những lãng phí hiện còn rất lớn ở ta, từ lãng phí có quy định trong luật như thời gian và nhân lực, cho đến những lãng phí không được đề cập trong luật như lãng phí cơ hội và niềm tin.

Lãng phí thời gian

Dư luận đã nói rất nhiều về tình trạng lãng phí xe công. Một vị lãnh đạo nào đó mới lên, mua xe công vượt quá tiêu chuẩn, gọi là lãng phí vài trăm triệu đồng. Nhưng con số vài trăm triệu đồng lãng phí đó chỉ xảy ra mỗi nhiệm kỳ một lần. Còn những vụ như thông xe cầu Thanh Trì ở Hà Nội bị chậm trễ nhiều tháng, số tiền lãng phí là hàng tỉ đồng mỗi ngày. Liệu có ai phải chịu trách nhiệm?

Ngay cả nói về thời gian, luật mới quy định về lãng phí quỹ thời gian của nhà nước. Có những lãng phí về thời gian của nhân dân mà chưa ai chịu trách nhiệm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới trong năm 2006, đăng ký thành lập một doanh nghiệp ở Việt Nam phải mất bình quân 50 ngày. Trong khi đó, những con số so sánh ở Úc là 2 ngày, ở Canada là 3 ngày và ở Singapore là 6 ngày.

Tương tự, báo cáo trên cho thấy thời gian bình quân để một doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục đăng ký bất động sản là 67 ngày. Để so sánh, thời gian đó ở Thái Lan là 2 ngày, và ở Trung Quốc là 32 ngày.

Việc các cơ quan công quyền lỡ hẹn với người dân là điều quá thường tình đến mức không ai muốn bàn đến nữa. Lỡ hẹn ít thì 1-2 ngày, lỡ hẹn nhiều thì 1-2 tuần. Nếu giả định trong 85 triệu dân Việt Nam, mỗi năm chỉ có 1 triệu người phải đi làm thủ tục hành chính, và bình quân mỗi người bị chậm 1 ngày, thì số thời gian của nhân dân bị lãng phí là 1 triệu ngày công, hay tương đương một xí nghiệp 200 công nhân nghỉ việc hoàn toàn trong 20 năm!

Lãng phí nhân lực

Năm 2001, người viết bài này đã rất bất bình khi đọc trên báo Việt Nam một thông báo: “tuyển nhân viên phục vụ trên tàu Singapore, yêu cầu tốt nghiệp đại học” . Ngành giáo dục có thể nói gì về điều này?

Bao nhiêu con người của thế hệ trẻ Việt Nam đã tốn thời gian và tiền bạc đi học, để cuối cùng làm một công việc chẳng liên quan gì? Bao nhiêu phần trăm kiến thức học trong trường nhưng không bao giờ được dùng đến? Liệu ngành giáo dục có thống kê được những lãng phí đó?

Lãng phí cơ hội và niềm tin

Nếu xét đến khái niệm lãng phí theo nghĩa đầy đủ, thì còn rất nhiều điều phải nói đến. Trong một bài viết, TS. Vũ Thành Tự Anh đã cho là “lãng phí cơ hội là lãng phí lớn nhất”.  

Còn những vụ việc như báo Tiền Phong đã đưa tin, người tố cáo tiêu cực phải gửi thư cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh để nói “xin chừa chống tham nhũng”. Với hiện tượng đó, có tên gọi nào chính xác là tên gọi “lãng phí niềm tin”.

Liệu có thể đo lường được sự lãng phí đó? Và có ai phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí đó?

Phạm vi điều chỉnh của bộ luật về tiết kiệm, chống lãng phí năm 2006 là: "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân". Đó mới là những lãng phí vật chất.

Giáo sư David Dapice (ĐH Harvard) ước tính mỗi năm Việt Nam lãng phí 1 tỉ USD. Đó cũng chỉ mới là những lãng phí vật chất, và chỉ mới là một phần nhỏ của những lãng phí xã hội đang xảy ra từng ngày từng giờ.

Với Nghị định 103 của Thủ tướng, có thể chúng ta có một bước khởi đầu mới của cuộc chiến toàn diện về chống lãng phí về, đặc biệt là lãng phí niềm tin.

Bùi Văn

Vietnamnet