Nghẹn ngào trước gia cảnh khốn khó của cháu bé lớp 3 bị chết vì đói

ANTĐ - Trong suốt những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết xót thương, cám cảnh cho cháu bé mới học lớp 3 bị bệnh tim bẩm sinh và do gia đình nghèo quá, cháu thường xuyên đến lớp với cái bụng rỗng. Thật đáng thương, cháu bé đã bị lả đi trên đường đi học về, rơi xuống dòng nước lớn. Cháu bé tội nghiệp ấy đã ra đi trong sự đau đớn, thương xót không chỉ của cha mẹ cháu, gia đình cháu mà cả những người không họ hàng thân thích. Cái chết của cháu bé, chắc chắn sẽ làm nhiều người ăn uống thừa thãi phải suy nghĩ về chính mình…  

Không còn hạt gạo làm cơm cúng

Nghe tin cháu bé Phạm Thị Nhung (SN 2004), con gái của vợ chồng anh Phạm Văn Vân (SN 1974) và chị Lê Thị Quý bị chết đuối dưới dòng sông, người dân xã Đức Bồng, huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) ai nấy đều đau buồn. Họ vừa thương xót cho sự ra đi đầy đau đớn của cháu bé, vừa thương cho hoàn cảnh của gia đình này. Bởi nhiều năm nay, gia đình anh Vân luôn nằm trong top nghèo đói của xã. “Khổ thân vợ chồng chú ấy quá. Nhà nghèo, lại đông con, hai vợ chồng không biết chữ, tính tình chậm chạp, thêm vào đó con cái lại bệnh tật nên cuộc sống rất chật vật. Cách đây không lâu, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, bà con lối xóm vợ chồng chú ấy có cất được gian nhà để tránh mưa bão. Ấy vậy mà, khi nhà vừa kịp hoàn thành thì chuyện buồn lại ập đến. Thật trên đời này không còn cái khổ nào mà gia đình chú ấy chưa nếm trải cả”, bà Trần Thị Sâm ngân ngấn nước mắt khi nói về gia cảnh người hàng xóm.

Người dân nơi đây cho hay, cháu Nhung bị chết đói trước khi chết đuối. Sáng ngày 25-9, vì bố mẹ đi làm sớm nên cháu bé đến trường mà không có hạt cơm trong bụng. Gần hết buổi học, Nhung có biểu hiện rất mệt mỏi, liên tục úp mặt xuống bàn. Thấy vậy, cô giáo chủ nhiệm liền đến hỏi thì mới hay học trò của mình đang kiệt sức vì đói. Lập tức, cô giáo này ra trước cổng trường mua hộp sữa cho Nhung uống tạm. Sau đó, cô giáo gọi điện về cho chị Nguyễn Thị Loan, hàng xóm của cháu Nhung, nhờ bố mẹ lên đón con về (vì gia đình em Nhung không có điện thoại - PV). Nhận được tin đó, bố cháu là anh Vân vội vàng đạp xe lên đón con. Bố cháu Nhung khi đi còn chở cả 2 em của Nhung tới trường. Thấy vậy, không muốn em của mình phải đứng đợi dưới trời nắng gắt, Nhung bảo bố chở hai em về, để mình tự về nhà. Thấy trời đã trưa, lại nắng gắt, anh Vân quyết định chở hai đứa con, một đứa lớp 2, đứa còn lại học mẫu giáo để Nhung tự đạp xe về nhà. Trên đường về, do kiệt sức vì đói nên khi đi qua cây cầu Động, gần hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, bé Nhung đã đâm xe đạp vào thành cầu, người và xe cùng rơi xuống sông.

Ngay khi phát hiện sự việc, bà con sống gần đó đã vội tri hô người đến cứu giúp. Tuy nhiên, thời điểm này vắng người, đều là những phụ nữ không biết bơi, nên không ai kịp cứu cháu Nhung. Hơn 1 giờ sau thi thể cháu Nhung mới được tìm thấy.

Sau khi xảy ra sự việc đau lòng, nhiều nhà hảo tâm đến chia buồn cùng gia đình cũng là để ủng hộ chút vật chất để  gia đình Nhung vượt qua khó khăn trước mắt. Chứng kiến căn nhà đơn sơ, trống huơ, trống hoác của gia đình này, họ đã lặng người đi. Trên bàn thờ, di ảnh của cháu bé cũng nghèo đói như chính gia cảnh vậy. “Cháu Nhung chết mà trong nhà không có đồng tiền mô, nhà lại không còn hạt gạo nên hàng xóm phải về lấy vài bát gạo sang nấu cơm cúng cháu. Nhung chết đói trước khi chết trôi, chết mà không có bộ đồ để mặc. Người đi mua áo, người đi mua quần, người cho quả trứng về đặt bàn thờ cúng cháu. Nhìn vợ chồng chú ấy cùng mấy đứa con vật vã đau đớn, chúng tôi cũng quặn lòng. Răng mà khổ cực đến rứa hề!”, bà Sâm nước mắt lưng tròng khi nói điều này.

Đã nhiều lần bụng đói đến trường

Theo bà con lối xóm, đây không phải là lần đầu tiên cháu Nhung mang bụng đói đến trường. Bởi, nhiều lần trước cháu bé phải nhịn đói đi học, điều này được người hàng xóm Lê Thị Thanh chứng nhận: “Cách đây khoảng hai tuần, cháu bé đi ngang nhà tôi, thấy mọi người đang ăn bưởi, nó đứng ngoài cổng nhìn vào. Thấy thế tôi liền gọi vào cho em vài múi. Nhìn nó nhai ngấu nghiến tôi có hỏi thăm thì mới biết cháu bé nhịn đói từ sáng sớm để đi học. Vài lần sau đó, mỗi lần thấy bé đi qua, tôi lại gọi bé vào nhà, hôm thì cho cây bánh, hôm thì quả chuối. Vậy mà, giờ đây cháu đã không còn trên cõi đời này nữa”.

Do cả hai vợ chồng anh Vân đều không biết chữ, người chồng lại chậm chạp nên cuộc sống của gia đình này rất khó khăn. Lấy nhau năm 2003, thì đến nay họ đã có với nhau 4 mặt con. Cháu Nhung là con đầu của anh chị, tuy nhiên bất hạnh lại ập đến khi cháu bé phải mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh. “Con tôi sinh ra nặng chưa đầy 2 kg, da dẻ xanh xao, lại thường xuyên ốm yếu. Đưa con đi khám vợ chồng tôi mới biết con bị bệnh tim bẩm sinh. Thương con lắm, nhưng vì nhà không có tiền nên đành để con ở nhà vậy thôi, khi nào nó ngất xỉu thì vác lên gặp thầy thuốc. Mãi đầu năm 2013, nhờ sự giúp đỡ của bác sỹ Nguyễn Văn Toại, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang vợ chồng tôi mới đưa cháu đi phẫu thuật tim được. Hạnh phúc vì thấy sức khỏe con dần ổn định chưa được bao lâu thì nó đột ngột ra đi một cách đau đớn. Trong sự việc này có một phần lỗi của vợ chồng tôi, cháu bệnh tật thế lẽ ra phải được bồi dưỡng thuốc thang, đằng này cháu lại thường xuyên nhịn đói”, chị Quý không ngừng trách móc bản thân sau cái chết của con gái mình. Nghe vợ nói, người chồng ngồi cạnh bên cũng run run:  “Cũng chỉ vì vợ chồng tôi nghèo đói nên con cái phải chịu khổ cực vậy. Bố mẹ có lỗi vì không lo nổi cơm ăn, áo mặc cho con. Con ơi, sao con ra đi mà không một lời từ biệt bố mẹ, các em”.

Được biết, sau khi mổ tim, dù sức khỏe chưa bình phục hẳn, nhưng cháu Nhung vẫn tích cực đến trường. Đáng lẽ với số tuổi của mình, Nhung sẽ học lớp 5, nhưng vì bệnh tật, sức khỏe yếu, nên em học chậm lại cùng các em lớp 3. Ở lớp, vì lý do sức khỏe, nên học lực của em không được tốt lắm, tuy vậy thầy cô luôn quan tâm, kèm cặp việc học của Nhung. Hằng ngày, ngoài một buổi đi học, buổi còn lại Nhung ở nhà trông chừng 3 em nhỏ để bố mẹ ra đồng. Không những vậy, cháu bé còn biết thổi cơm giúp bố mẹ những hôm có công việc bận. Dù mới 10 tuổi, nhưng Nhung ra dáng là người chị cả của các em, người con lớn trong gia đình. Người dân xung quanh, ai cũng quý và thương cháu bé lắm, nhưng vì ở làng quê nghèo nên họ cũng chẳng giúp được nhiều. Giờ đây, cháu Nhung đã ra đi, người em Phạm Thị Ánh Tuyết đang theo học lớp 2 đành phải gánh trách nhiệm của người chị cả.

Khao khát lớn nhất của Nhung là có chiếc xe đạp để đến trường khi hằng ngày em phải cuốc bộ hơn hai cây số trong tình trạng sức khỏe yếu. Tuy nhiên, vì vợ chồng anh Vân còn phải chạy cơm từng bữa cho gia đình, đồng thời lo cho 3 đứa em nên mong ước của Nhung là điều dường như quá xa vời. Đầu năm học này, một người tốt bụng biết được hoàn cảnh đã tặng cho em chiếc xe đạp cũ. Nhận được món quà lớn, cháu bé vui lắm. Trước khi xảy ra sự việc đáng tiếc không lâu, bé còn chạy sang khoe với hàng xóm mình đã biết đi xe đạp. Vậy mà, niềm vui đó vừa mới lóe lên thì em đã vĩnh viễn ra đi. Thầy Lê Quốc Châu, giáo viên trường THPT Cù Huy Cận, huyện Vũ Quang, người có mặt trong buổi làm các thủ tục cho ca phẫu thuật tim cho bé Nhung nhớ lại: “Lần đó vì không biết chữ nên vợ chồng chị Quý đành phải dùng tay điểm chỉ chứ không ký xác nhận vào các giấy tờ liên quan. Cũng vì không có điện thoại nên mọi liên lạc với gia đình này đều phải thông qua người hàng xóm gần đó. Chiều ngày xảy ra sự việc, tôi cùng một số người đến thăm gia đình thì thấy cháu út cũng đang đói lả. Thấy vậy, chị hàng xóm vội cho cháu ăn thạch dừa mà nó nuốt ừng ực, nhìn thương lắm”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang xác nhận: Tại địa phương, gia đình anh Phạm Văn Vân, chị Lê Thị Quý thuộc dạng nghèo đói đặc biệt khi đông con, lại bệnh tật. Vì vậy, chính quyền luôn tạo điều kiện cho gia đình này hưởng các chế độ của người nghèo, đồng thời thương xuyên thăm hỏi anh chị cố gắng phát triển kinh tế nuôi dạy con cái khôn lớn. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền đã đến động viên, trích một phần trong ngân sách xã để hổ trợ bước đầu cho gia đình. Qua đây, chúng tôi cũng tha thiết kêu gọi những nhà hảo tâm hãy cứu giúp gia đình anh Vân, để chuyện đau lòng này không tiếp tục xảy ra nữa.

Vâng, nếu như sự kêu gọi trợ giúp này được thực hiện tích cực hơn, sớm hơn thì có lẽ cháu Nhung đã được ở lại với cõi đời này.