Ngày Pháp luật lan tỏa sâu rộng với nhiều mô hình hay

ANTD.VN - Ngày Pháp luật Việt Nam được thực hiện nghiêm túc, gắn với việc quán triệt, phổ biến Luật, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung, hình thức, trách nhiệm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam bằng các hình thức phù hợp.

Linh hoạt, sáng tạo từ Trung ương tới địa phương

Ngày Pháp luật được tổ chức vào ngày 9-11 hàng năm, bắt đầu từ năm 2013. Ngày pháp luật được quy định cụ thể trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam.

Theo đó, Ngày Pháp luật được Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn như: Tổ chức Lễ mít tinh, cổ động, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm, trưng bày; tổ chức xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phóng sự phỏng vấn chuyên sâu.

Nhiều hoạt động đã phát huy hiệu ứng và sự lan tỏa rộng lớn do ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tận dụng thế mạnh của cơ quan báo chí, truyền thông nhất là mạng lưới thông tin cơ sở…

Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã phát huy vai trò tích cực của mình trong việc thông tin, phổ biến, nâng cao nhận thức của nhân dân về Ngày Pháp luật thông qua các khẩu hiệu tuyên truyền, các chương trình, chuyên mục, clip thông điệp ngắn, đăng tải bài viết, phóng sự phỏng vấn, bình luận chuyên sâu, đối thoại chính sách...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trao bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho các cá nhân có thành tích trong 5 năm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật

Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Đài phát thanh Truyền hình hoặc với các báo để duy trì thực hiện chuyên mục/chuyên trang/phóng sự “Pháp luật và đời sống”, “Bạn đọc – Pháp luật”, “Hộp thư bạn nghe đài”; “Câu chuyện truyền thanh”; “Giáo dục an ninh quốc phòng”; “Thuế và cuộc sống”…

Thi tìm hiểu pháp luật cũng là một trong những hình thức triển khai Ngày Pháp luật tạo được hiệu ứng rộng rãi trong xã hội, thu hút đông đảo các tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân tham gia. Rất nhiều cuộc thi tìm hiểu về các lĩnh vực pháp luật khác nhau, với quy mô, cách thức khác nhau đã được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức. 

Ở Trung ương, các hội thi, cuộc thi được phát động và tổ chức trên quy mô toàn quốc, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý của cả nước, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham gia như Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” (năm 2014, 2015) có hơn 5 triệu bài dự thi, với hơn 1000 bài dự thi được gửi về tham gia Vòng chung khảo; Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III (năm 2016) với sự tham gia của 63 đội thi đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trở thành Ngày hội lớn để tôn vinh đội ngũ Hòa giải viên.

Một số hội thi mang quy mô toàn ngành như: Cuộc thi “Chúng tôi là kiểm sát viên”; Cuộc thi “Chấp hành viên giỏi”; Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh trung học phổ thông đã thu hút được tổng số 233.650 học sinh của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đăng lý tham gia...

Còn ở tuyến địa phương, một số tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức các cuộc thi, hội thi hưởng ứng Ngày Pháp luật trong quy mô toàn tỉnh như: Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015 (Hà Nội, Bắc Kạn, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc, Cần Thơ…); Tìm hiểu Bộ luật hình sự (sửa đổi) (Hà Nội, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi,…); cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự” (Bình Dương)... Ngoài ra các bộ, ngành địa phương còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, thi viết, thi dưới hình thức sân khấu hóa.

Nhiều “điểm sáng” cần nhân rộng

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, qua 5 năm triển khai Ngày Pháp luật, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để việc triển khai trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội. Nhiều mô hình mới đã ra đời thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết, tinh thần học hỏi của các cơ quan, đơn vị, địa phương như:

Mô hình tổ chức 1 ngày trợ giúp pháp lý miễn phí (Liên đoàn Luật sư Việt Nam); tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); “Tư vấn pháp luật lưu động, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại địa bàn vùng sâu, vùng xa” (Sơn La, Nghệ An, Hà Giang…); thực hiện tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” (Tổng cục Thuế); tư vấn, giải đáp pháp luật về tiền lương, về lao động, việc làm, về bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); mô hình dân hỏi, Giám đốc trả lời (Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Giang, Hòa Bình…).

Các mô hình này giúp cho pháp luật đến gần với người dân, doanh nghiệp hơn, đáp ứng được các quyền và lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp cũng như đánh giá, nắm bắt được những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật để các cơ quan có thẩm quyền, tư vấn, hướng dẫn giải quyết.

Bên cạnh đó còn có các mô hình đã trở thành việc làm thường xuyên của cơ quan, tổ chức như mô hình “Mỗi tuần một điều luật” (Bộ Quốc phòng, Phú Yên, Cao Bằng…). Ban Quản lý Lăng Hồ Chí Minh đã tổ chức học tập pháp luật thông qua việc nghiên cứu tài liệu tại tủ sách pháp luật của các phòng, ban.

Ngoài ra cũng phải kể tới mô hình tại Lâm Đồng: Trong tuần lễ cao điểm, các Sở, ban, ngành đã tổ chức đồng loạt sinh hoạt dưới cờ chủ đề về Ngày Pháp luật vào thứ hai đầu tuần.

Các xã của UBND huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã đồng loạt tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật sau buổi chào cờ đầu tuần, vào tuần đầu của tháng với chủ đề “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hay như ở Long An, mô hình “Tiết học pháp luật” đã được duy trì đều đặn và là một trong những hoạt động hưởng ứng mang lại hiệu quả thiết thực…

Mô hình Ngày hội pháp luật được thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… tổ chức thường xuyên, định kỳ trong tuần lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật để tư vấn, giải đáp kiến thức pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động…

Bên cạnh triển khai các mô hình mới, việc tổ chức Ngày Pháp luật còn được duy trì, kế thừa kết quả từ mô hình Ngày Pháp luật từ trước đó, với ý tưởng các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật, ngày tôn vinh, tìm hiểu, học tập pháp luật.