Ngăn "tín dụng đen" - chặn nguồn phạm pháp hình sự

ANTD.VN - Chỉ đạo kết luận tại Hội nghị giao ban Cơ quan CSĐT quý I-2019, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã yêu cầu, đối với công tác phòng chống tội phạm hình sự, chỉ huy các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã cần tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm có tổ chức; triệt xóa các băng nhóm tội phạm, nhất là các băng, ổ nhóm xiết nợ, đòi nợ thuê; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của toàn lực lượng CSHS trong thời gian tới…

CAP Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) tăng cường kiểm tra hoạt động của các hiệu cầm đồ trên địa bàn Ảnh: Lam Thanh

Qua đó có thể thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của lực lượng Công an Thủ đô trong đấu tranh triệt xóa các hoạt động tội phạm “tín dụng đen” - mầm mống phát sinh tội phạm nguy hiểm từ những quan hệ dân sự. 

Muôn nẻo “tín dụng đen”

Thời gian vừa qua, CATP Hà Nội đã tổ chức triệt phá nhiều tổ chức tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, góp phần bảo đảm an ninh - trật tự (ANTT) tại các khu dân cư. Tuy nhiên, càng bị “đánh” mạnh thì thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này càng tinh vi, xảo quyệt, nhất là vào dịp áp Tết Nguyên đán, bởi thời điểm này, nhiều người cần tiền để giải quyết công việc cá nhân, mua sắm hàng Tết... Nắm bắt được nhu cầu đó, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” giở “chiêu” tích cực mời gọi cho vay tiền, xiết nợ khiến người dân hết sức hoang mang.

Dạo quanh các tuyến phố của Hà Nội, không hiếm để bắt gặp những tờ rơi, quảng cáo dán trên tường, cột điện, thậm chí cả trên thân cây, cánh cửa nhà vệ sinh công cộng với nội dung: “Alo là có tiền; hỗ trợ tài chính toàn quốc không cần thế chấp; hỗ trợ tài chính 24/7; vay ngân hàng không lãi suất...”.

Trao đổi với Nguyễn Văn H, một người chuyên dán tờ rơi cho vay tiền ở khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội, phóng viên Báo ANTĐ được biết, anh ta thường được các tổ chức hoạt động “tín dụng đen” núp bóng trung tâm dịch vụ tài chính thuê dán các tờ rơi này ở các khu dân cư có đông sinh viên, công nhân, đối tượng cờ bạc và người ngoại tỉnh thuê trọ làm lao động thời vụ. Thời điểm H chọn để dán tờ rơi thường là buổi đêm, bởi nếu dán ban ngày sẽ rất dễ bị bóc và bị lực lượng chức năng phạt.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, chiêu trò “dễ vay, khó trả” của “tín dụng đen” đã khiến nhiều người lâm vào cảnh “tán gia, bại sản” khi vay tiền. Phần lớn nhóm người thường phải vay nặng lãi có thu nhập không ổn định, ham mê cờ bạc, cần tiền chữa bệnh hiểm nghèo, thiếu hiểu biết và sống ở vùng sâu, vùng xa...

Lợi dụng việc này, các đối tượng cho vay nặng lãi thường tính lãi suất linh hoạt, lũy tiến theo cấp số nhân khiến người vay tiền lầm tưởng được vay ưu đãi. Kèm theo đó là các hợp đồng tín chấp, thuê, mượn tài sản, viết giấy vay nợ không ghi lãi suất được ký với các chủ nợ. Bên cạnh đó, để nhiều người có thể tiếp cận hoạt động “tín dụng đen”, các tổ chức này còn sử dụng mạng xã hội, núp bóng các cửa hàng cầm đồ, sửa chữa điện thoại di động... 

Khi không trả được nợ, người vay phải đối diện với việc bị nhóm đòi nợ thuê khủng bố tinh thần bằng cách đổ chất thải, đe dọa, bắt giữ người ép viết giấy nợ, đánh đập tàn bạo, thậm chí là mất mạng. Đủ các chiêu trò của việc đòi nợ đã khiến tình hình xã hội bất ổn, có kẻ phải vào tù vì giết người, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản do liên quan đến “tín dụng đen”. 

Biện pháp nào ngăn chặn “tín dụng đen”?

Đại tá Lê Đình Thành, Trưởng CAQ Nam Từ Liêm nhìn nhận, người đi vay “tín dụng đen” rất đa dạng, có thể do hoàn cảnh khó khăn túng quẫn, làm ăn thua lỗ, phần lớn là sử dụng vào chơi cờ bạc, lô - đề, bóng đá... Nhưng họ thường không công khai việc vay nợ, khi bị đòi, o ép thì họ không trả được mà phải bỏ nhà và các đối tượng đến nhà để đòi nợ, đe dọa, ném chất bẩn, chất thải hòng xiết nợ. Khi người vay nợ bị tấn công, họ hoặc gia đình họ mới trình báo và đây là vấn đề gây khó khăn cho việc phòng ngừa cũng như điều tra xử lý của lực lượng công an.

Chỉ huy Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, ngay từ khi manh nha có hoạt động “tín dụng đen”, qua công tác nắm tình hình, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo CATP ban hành Kế hoạch 231 đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”. Gần 3 năm qua, lực lượng CSHS - CATP Hà Nội đã xác lập hàng chục chuyên án, đấu tranh với các ổ nhóm cho vay “tín dụng đen”.

Đối với cấp cơ sở, Phòng CSHS đã chủ động tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen”, dịch vụ cầm đồ, biến tướng của dịch vụ cầm đồ để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, qua đó tự phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, Phòng CSHS cũng tham mưu cho Ban Giám đốc CATP chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động nắm tình hình địa bàn, đối tượng; kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý cư trú, kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT và phối hợp chặt chẽ với VKSND, TAND các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là những vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo đảm xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội; đồng thời đưa ra xét xử lưu động tại nơi xảy ra tội phạm nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Quyết liệt là vậy, nhưng tội phạm “tín dụng đen” như “vòi bạch tuộc”, chặt vòi này lại tái tạo, phát sinh những vòi bạch tuộc khác, vươn đến từng ngõ phố, làng xã, len lỏi vào từng hộ gia đình gây họa. “Do đó, muốn ngăn chặn triệt để hoạt động tội phạm này, điều cốt yếu là ý thức của người dân không vay nợ các tổ chức “tín dụng đen”, quản lý con em trong gia đình tránh ăn chơi đua đòi và mắc nợ. Mặt khác, các tổ chức tín dụng được Nhà nước cho phép hoạt động cũng cần xem xét, sửa đổi quy định về vay vốn ngân hàng, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, không phải vay nợ của các tổ chức “tín dụng đen” dẫn đến khó có khả năng chi trả” - chỉ huy Phòng CSHS nhận định. 

Thiếu tá Nguyễn Viết Điệp (Phó trưởng CAQ Ba Đình): Báo cáo kịp thời để có những biện pháp xử lý hiệu quả 

“Ngăn chặn “tín dụng đen” là một trong những nhiệm vụ then chốt bởi đó là nguồn cơn phát sinh tội phạm, gây mất TTATXH. Thực hiện các kế hoạch của CATP, Ban chỉ huy CAQ Ba Đình đã triển khai các kế hoạch để ngăn chặn tội phạm, trong đó đặc biệt là làm tốt công tác phòng ngừa. CAQ đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các phường trên địa bàn tập trung điều tra, rà soát nắm chắc các cơ sở, đối tượng tham gia hoạt động này và yêu cầu Cảnh sát khu vực, cùng với các trinh sát hình sự nắm chắc địa bàn quản lý, cũng như tình hình hoạt động của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, báo cáo kịp thời để có những biện pháp xử lý hiệu quả, đúng quy định của pháp luật”. 

Thượng tá Vũ Văn Phúc (Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm): Thường xuyên điều tra cơ bản, quản lý chặt đối tượng liên quan 

“CAQ Nam Từ Liêm đã chỉ đạo Đội CSHS và Đội Cảnh sát QLHC về TTXH lập hồ sơ xử lý, yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh tài chính không có giấy phép, Công an các phường quản lý hồ sơ và báo cáo về diễn biến hoạt động và áp dụng đối sách, chủ động phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, phối hợp với các ban - ngành, đoàn thể địa phương tiến hành bóc gỡ khoảng gần 2.000 điểm dán tờ rơi, quảng cáo về kinh doanh tài chính.

CAQ Nam Từ Liêm cũng triển khai thực hiện có chiều sâu công tác điều tra cơ bản, tiến hành rà soát lại toàn bộ số đối tượng, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” đã được lập danh sách trước đây, chủ động phát hiện di biến động của những đối tượng, cơ sở liên quan đến hoạt động này để quản lý.

Ngoài ra, đơn vị còn chủ động phát hiện đối tượng mới phát sinh để mở hồ sơ quản lý và chú trọng đến việc xác minh hai chiều đối với các đối tượng trong Kế hoạch 231. Thường xuyên và kịp thời thông báo với các địa phương, Phòng CSHS - CATP để phối hợp quản lý. Giữa lực lượng CSHS và CSKV của CAQ luôn thường xuyên phối hợp trong quản lý các đối tượng, tăng cường răn đe phòng ngừa, tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ, kho bãi và xử lý nghiêm những vi phạm”.