Ngân sách “rơi vãi”
(ANTĐ) - Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán năm 2008 tại 20 Bộ, ngành Trung ương, 35 tỉnh, thành phố, 23 tập đoàn, 19 dự án, chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả cho thấy, những sai phạm trong chi tiêu, sử dụng vốn ngân sách vẫn còn khá lớn. Đặc biệt, kỷ luật hành chính trong việc dùng tiền, tài sản công dường như ngày càng lỏng lẻo. Ngân sách tiếp tục bị “rơi vãi”, thậm chí... vung vãi.
Mặc dù thu ngân sách năm 2007 vượt dự toán 16%, song trên thực tế, thu ngân sách có thể nhiều hơn do số thất thu qua kiểm toán ở nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp còn rất lớn. Theo Phó Tổng kiểm toán Nhà nước, sự hụt thu này có trách nhiệm rất lớn của ngành thuế. Kiểm toán tại 235 cơ quan thuộc 21 Bộ, ngành và các cơ quan địa phương, số thuế và số thu khác phải nộp thêm vào ngân sách là 164,2 tỷ đồng.
Những khoản thất thu lớn nhất trong thu thuế nội địa, chủ yếu là do quản lý lỏng lẻo, sử dụng sai mục đích, miễn giảm và ưu đãi thuế không đúng. Qua kiểm toán các dự án kiểu “đổi đất lấy hạ tầng”, “giao đất có thu tiền sử dụng đất”... kiểm toán Nhà nước đã mang về cho ngân sách thêm 1.049 tỷ đồng.
Các khoản thuế phải truy thu trong việc chuyển hình thức hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất sang kinh doanh, nhập khẩu tiêu thụ nội địa lên tới gần 492 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản thu từ học phí, viện phí và việc sử dụng các khoản vay để bù đắp cho bội chi ngân sách cũng rất lớn. Điều sót xa là, báo cáo kiểm toán Nhà nước không ghi nhận được tiến bộ đáng kể nào trong việc siết chặt kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, chỉ trừ khâu chi tiêu thường xuyên. Lãng phí, thất thoát, vung vãi ngân sách vẫn là căn bệnh mãn tính ở nhiều cấp.
Hàng trăm dự án, công trình đầu tư được điều chỉnh vốn bất hợp lý, đầu tư, nhưng không được đưa vào sử dụng hoặc không thể hoàn thành, phải tháo gỡ, cải tạo. Nhiều công trình điều chỉnh vốn đầu tư lên tới 200-500% sự dàn trải, manh mún trong đầu tư là tình trạng phổ biến trong nhiều năm nay. Có những dự án được “vẽ” ra ở địa phương, vốn phê duyệt lên tới 12.871 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn ngân sách của địa phương hàng năm chỉ có 1.400 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một sự thật nhức nhối: Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều vi phạm Luật Đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng chậm trễ, làm tăng chi phí, gây lãng phí ngân sách; hầu hết các dự án, công trình khi nghiệm thu đều phải giảm trừ do thanh toán trùng lắp, sai đơn giá, sai khối lượng. Trên thực tế, bội chi năm 2007 vượt 0,64% so với Nghị quyết Quốc hội giao.
Một bằng chứng về sự coi thường các quy định, chính sách về chi tiêu công là năm 2007, việc thực hiện các kiến nghị về tài chính của kiểm toán Nhà nước, với tư cách là cơ quan kiểm toán, giám sát của Quốc hội tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước có sai phạm chỉ đạt 67,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 89% của năm 2006. Cho dù kiểm toán Nhà nước hàng năm thực hiện hàng ngàn cuộc kiểm toán phát hiện ra sai phạm, nhưng sai phạm vẫn tiếp diễn thì ngân sách quốc gia sẽ còn bị “vung vãi” vô tội vạ. “Tội” thì ai chịu? “Vạ” thì Nhà nước và nhân dân hứng chịu.
Đan Thanh