Ngăn chặn lạm thu tiền trường từ xa

ANTĐ - Ngay sau khai giảng năm học mới, 21 đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT Hà Nội đã bắt đầu kiểm tra vấn đề thu chi tại 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đây được coi là biện pháp để ngăn chặn các khoản thu phát sinh tập trung vào đầu năm học gây bức xúc trong phụ huynh.
Ngăn chặn lạm thu tiền trường từ xa ảnh 1

Phụ huynh sẵn sàng đóng góp nhưng không nên tập trung nhiều khoản thu một lúc
 (Ảnh minh họa)

Không nên thu nhiều khoản cùng một lúc

“Đầu năm học, phụ huynh nào cũng sợ đi họp vì các khoản đóng góp gộp lại bao giờ cũng lên tới tiền triệu. Năm nay, xem ra vài khoản thu còn tăng hơn. Tổng cộng tôi phải đóng cho con mình 1,9 triệu đồng” - chị Nguyễn Ngân Hà, phụ huynh một trường mầm non trong quận nội thành cho biết.

Đáng nói là quỹ phụ huynh học kỳ này phải đóng tới 550.000 đồng/học sinh. “Đã có bao nhiêu khoản phải đóng góp rồi, nhưng không hiểu chi thêm những gì mà quỹ phụ huynh vẫn thu từng đấy tiền cho một cháu nhỏ chưa phải học văn hóa. Có phụ huynh trong lớp con tôi học đang rất lo lắng vì nhà có tới 2 con cùng học ở trường, tiền học đầu năm lên tới 4 triệu đồng thì thu nhập tháng 9 này của hai vợ chồng đã mất đứt một khoản lớn” - chị Hà chia sẻ. 

Với bậc phổ thông, năm nay các bậc phụ huynh cũng thêm không ít gánh nặng nếu cộng dồn các khoản BHYT, tiền học tiếng Anh tăng cường… Cõng thêm khoản thu BHYT lên tới 544.000 đồng/học sinh cũng không phải là nhỏ, nhất là với gia đình nào có 2 con đi học trong dịp đầu năm học này. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ cũng thừa nhận, đóng BHYT làm nặng thêm khoản thu đầu năm với phụ huynh khi đẩy tổng số tiền đầu năm trung bình lên trên 1-2 triệu đồng/học sinh.

Không thể “bổ đầu”

Phân tích về nguyên nhân bức xúc của phụ huynh học sinh, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, phần lớn các bậc phụ huynh khi được thông báo đóng tiền để phục vụ các con đều không phản đối nhưng quan trọng là việc đóng tiền đó không được bổ đầu người khó khăn, gia đình đông con, trong khi chỉ một vài người có tiềm lực kinh tế mạnh, coi việc đóng vài triệu là chuyện nhỏ thì dễ phát sinh bức xúc. “Đây là điều chúng tôi hết sức tránh và cần đi kiểm tra để chấn chỉnh” - ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, công tác xã hội hóa là điều cần thiết nhưng phải thực hiện đúng quy trình. Nói về việc trang bị quạt cho một lớp học, lãnh đạo Sở cho rằng nếu đúng theo ngân sách đầu tư, một lớp chỉ có 4 chiếc quạt để phục vụ 40-50 học sinh thì vẫn rất nóng. Vì vậy cần lắp thêm quạt, thậm chí là điều hòa. Muốn làm vậy, nhà trường phải có sự đồng thuận của đại diện cha mẹ học sinh. Sau đó phải lập dự toán, mua quạt, lắp điều hòa hay chỉ là mua rèm ở đâu, giá như thế nào... Khi hoàn thành phải tuyên bố công khai minh bạch. 

Ngoài ra, các khoản thu dù là tự nguyện vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát của nhà trường và các cấp quản lý. “Trong Quy định số 51 của UBND TP cũng nói rõ, các khoản thu mà cha mẹ học sinh đóng góp phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý bằng văn bản” - ông Nguyễn Hiệp Thống khẳng định.

Nói về việc kiểm tra đầu năm để ngăn chặn lạm thu, ông Nguyễn Hiệp Thống khẳng định 21 đoàn kiểm tra của Sở bắt đầu triển khai từ ngày 8-9. “Có thể các trường chưa thu tiền đầu năm nhưng quá trình kiểm tra các công tác đầu năm chúng tôi sẽ nhắc nhở, đôn đốc thực hiện đúng quy trình. Những trường hợp cố tình không thực hiện đúng quy định chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm” - ông Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.