Ngại thủ tục, trốn thuế, hộ kinh doanh "cố thủ" không chuyển thành doanh nghiệp

ANTD.VN - Các chuyên gia tham dự cuộc tọa đàm “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” ngày 10-4 đã chỉ ra, thủ tục hành chính thuế, kế toán và chi phí tăng lên là nguyên nhân chủ yếu khiến hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp.

Chính sách thân thiện để hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi thành doanh nghiệp

Thống kê mới nhất cho thấy, cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế; trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Nếu các hộ kinh doanh này chuyển thành doanh nghiệp thì mục tiêu cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả theo Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ sẽ dễ đạt được hơn.

Ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tính toán: "Nếu cả nước có thêm 500.000 doanh nghiệp thì cả nước sẽ có thêm 8,7 triệu việc làm, gần 11 tỷ đồng tiền thuế và 50.000 doanh nghiệp có thể xuất khẩu. Đây là mục tiêu quan trọng".

Tuy nhiên, tình trạng chung của các hộ kinh doanh này là không muốn lớn lên chuyển thành doanh nghiệp. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, riêng quận 1 có 26.000 hộ kinh doanh, mục tiêu đến hết năm 2017 có 2.000 hộ chuyển đổi, song 6 tháng qua chỉ có 8 hộ thực hiện chuyển đổi. 

Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ kế toán, thuế phức tạp, tạo ra gánh nặng lớn khiến hộ kinh doanh ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp. 

“Vẫn với quy mô lao động như vậy nhưng khi chuyển lên thành doanh nghiệp, họ phải đối mặt với thủ tục thuế, sổ sách kế toán, tài chính, lao động, công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp… rất phức tạp. Kéo theo đó chi phí tăng lên. Với một doanh nghiệp nhỏ doanh thu khoảng 1 tỷ đồng đồng/năm (số lượng doanh nghiệp quy mô này rất lớn- PV), phải chi thêm 60-70 triệu đồng/năm để thuê kế toán, tính trên lợi nhuận là rất lớn nên họ phải chân nhắc”- ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.

Trong khi đó, nếu duy trì ở mô hình hộ kinh doanh, họ chỉ phải đóng một khoản thuế khoán. Khoản thuế này hộ kinh doanh có thể thỏa thuận với cán bộ thuế. Các thủ tục hành chính, chi phí cũng thấp hơn rất nhiều.

Ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng: "Chúng tôi đã có cuộc khảo sát và nhận thấy, có địa phương cán bộ thuế còn hướng dẫn cho hộ kinh doanh cách lách thuế. 70% hộ kinh doanh cho biết luôn thỏa thuận với cán bộ thuế và mức thuế phải nộp. Bản thân cán bộ thuế và một số địa phương cũng không muốn hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vì khi đó doanh nghiệp không còn trong phạm vi quản lý của họ".

Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tăng cường đóng thuế cho Nhà nước và hoạt động minh bạch hơn, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt thủ tục thuế, kế toán theo hướng thân thiện, gần gũi hơn.

Đồng thời, cần tạo cho doanh nghiệp mới thành lập dịch vụ mua sắm công, khả năng mở rộng thị trường, tạo động lực thiết thực khiến họ chuyển đổi, lớn lên.