"Ngại" chia sẻ thông tin, ngân hàng khó an toàn bảo mật

ANTD.VN - Không thể đứng một mình để an toàn mà các ngân hàng phải chung tay phối hợp và tin tưởng lẫn nhau trong cuộc chiến chống tội phạm mạng.

Việt Nam có nguy cơ trở thành mảnh đất màu mỡ của tội phạm tấn công mạng trong lĩnh vực ngân hàng

Việt Nam hiện đứng thứ 11 trên thế giới về các hoạt động đe dọa tấn công mạng và dự kiến vẫn sẽ nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc ở mức cao. Thực tế thời gian qua cho thấy các ngân hàng Việt Nam dù đã đầu tư nhiều giải pháp, công nghệ để tự vệ trước nguy cơ bị tấn công mạng nhưng lại thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin và phối hợp với nhau dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Mảnh đất màu mỡ của tội phạm công nghệ

Tại Việt Nam hiện mới chỉ có 40 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến (internet banking), 16 tổ chức cung cấp hơn 2,3 triệu tài khoản ví điện tử, hơn 200 doanh nghiệp được cấp phép trong lĩnh vực thương mại điện tử. Kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 95% ngân hàng triển khai dịch vụ internet banking, mobile banking và 30% ngân hàng triển khai ngân hàng số…

Mục tiêu đến năm 2020, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ (POS) cho phép thanh toán không dùng tiền mặt. 50% cá nhân và hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, toàn thị trường có trên 300.000 POS được lắp đặt… 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, song song với những lợi ích mang lại từ các dịch vụ này thì các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các cuộc tấn công mạng nhằm vào thẻ thanh toán. Trong đó nổi lên nhóm đối tượng chuyên sử dụng các thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của người dùng. “Những vụ việc xảy ra thời gian gần đây đã gây thiệt hại lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng. Đây là nguy cơ đe dọa đối với sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường thanh toán điện tử nói riêng và đối với cả lĩnh vực ngân hàng nói chung”, ông Nguyễn Thành Hưng nói.

Trong khi đó, theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), hiện nay mối đe dọa về an toàn thông tin đối với hệ thống ngân hàng không chỉ đến từ Việt Nam mà đến từ quốc tế. “Khi chúng ta mở cửa thị trường thì mối đe dọa đối với các ngân hàng của Việt Nam không khác gì các ngân hàng ở Mỹ hay Singapore. Chúng ta vẫn nghĩ chúng ta là nước nghèo, nhưng thời gian gần đây các nước nghèo vẫn bị tin tặc lấy mất hàng tỷ đô. Tin tặc không thương người nghèo, do đó không có lý gì chúng ta không áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật ngân hàng”, ông Lê Mạnh Hùng nói và cho biết hiện NHNN đang nỗ lực triển khai lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật ngân hàng.

Không thể bảo mật một mình

Cũng theo các chuyên gia, thời gian gần đây, các ngân hàng Việt Nam đã đầu tư nhiều giải pháp, công nghệ để tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị tấn công mạng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trên không gian mạng không thể “đứng một mình để an toàn” mà các ngân hàng phải chung tay phối hợp trong cuộc chiến này. 

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, các ngân hàng nên cùng liên kết trong việc thúc đẩy an toàn thông tin. Cụ thể, thời gian tới cần tạo các nhóm liên kết để chia sẻ thông tin về các sự cố, các kỹ thuật tấn công mới, hay các mẫu mã độc…; tạo ra sự tin tưởng để cùng nhau xử lý khi xảy ra vấn đề về an toàn thông tin; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ qua các sự vụ, tình huống thực tế.

Qua sự phối hợp này sẽ giúp các ngân hàng tối ưu được nguồn lực, kết hợp sức mạnh và ưu thế của mỗi bên để mang lại sức mạnh tập thể. Không những thế, các đơn vị còn tận dụng được ngay nguồn lực công nghệ cao, tiết kiệm được thời gian đầu tư vào phần quan trọng nhất là con người, tiết kiệm chi phí so với việc mỗi đơn vị tự trang bị các giải pháp giống nhau hay phải mua các dịch vụ của nước ngoài với giá cao...

Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hùng, hiện việc chia sẻ thông tin giữa các ngân hàng rất khó khăn. “Thông tin là tài sản, giả sử chúng ta có tiền mà bảo chia sẻ cho nhau thì rất khó, thì thông tin cũng vậy thôi. Ngân hàng bị lấy mất tiền liệu có dễ chia sẻ với ngân hàng khác không, rất khó” - ông Lê Mạnh Hùng nói. 

Vì vậy, theo ông Lê Mạnh Hùng, cần có một đơn vị trung gian trong vấn đề này, đủ tạo sự tin tưởng để các ngân hàng chia sẻ thông tin. “Ở nhiều nước đã thành lập hẳn Bộ điều phối về an toàn thông tin để phối hợp các bộ ngành liên quan”.