Nếu lơ là, đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho rằng Việt Nam đang ở chặng cuối cùng để cùng với thế giới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Nhưng nếu lơ là, đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại.

Nếu lơ là, đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam đang ở chặng cuối cùng để cùng với thế giới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Cần sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền

Sáng 1-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo ngành y tế, đại diện các tổ chức quốc tế... cùng hơn 2.500 người dân TP Bắc Giang đã dự lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Chủ đề “Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS” của Tháng hành động thể hiện cam kết và quyết tâm của Việt Nam hưởng ứng mục tiêu 90-90-90, phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục suốt đời, 90% bệnh nhân điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus HIV ở mức thấp và ổn định. Đây là tiền đề cho việc kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để phòng, chống HIV/AIDS cần phải nói không với ma túy, mại dâm và có các biện pháp để tất cả mọi người phòng ngừa lây nhiễm. Những người bị lây nhiễm nhất định phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Làm được điều đấy, chúng ta cần sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền, cần có hệ thống tài chính ổn định, hệ thống phát hiện, điều trị kịp thời, đảm bảo sự riêng tư của người bệnh. 

Để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể và tập trung vào việc phòng và điều trị. Chắc chắn trong năm 2020 Việt Nam phải đạt được 90% số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng ARV. 

Thực hiện tốt cam kết với các tổ chức của Liên hợp quốc 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Việt Nam đang ở chặng cuối cùng để cùng với thế giới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Điều đó đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa. Hiện mỗi ngày có khoảng 5.000 người nhiễm HIV mới, còn ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 10.000 người nhiễm mới, chưa kể vẫn có khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa biết chính xác bệnh tật của mình, chưa được điều trị một cách quy củ bởi hệ thống y tế. Vì vậy, nếu lơ là, đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại.

Trước thực tế mới có 2/3 số người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đến năm 2020 phải nâng tỷ lệ này lên 90%. Vấn đề đặt ra không phải là kinh phí, mà làm sao để những người nhiễm HIV sớm biết tình trạng của mình, được điều trị kịp thời. Do vậy, các cơ quan chuyên môn, ngành y tế cần có biện pháp tuyên truyền, vận động, tiếp cận bảo đảm quyền riêng tư và thuận lợi nhất cho những người bị bệnh.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, người dân đã hưởng ứng các hoạt động phòng, chống HIV với nỗ lực, kiên trì qua nhiều năm. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chính phủ dành cho Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

“Bằng hành động, Việt Nam sẽ thực hiện tốt cam kết với các tổ chức của Liên hợp quốc, là một trong những quốc gia đi đầu trong kết thúc đại dịch HIV/AIDS”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

Theo báo cáo Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS), mỗi ngày qua đi, thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV; mỗi năm thế giới có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 770.000 người tử vong do AIDS.

Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000 - 3.000 người tử vong do AIDS. Năm 2019 là năm thứ 11 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí về số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế.

Hiện nay, nước ta có hơn 140.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV; gần 5.000 người đang được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; hơn 54.000 người nghiện ma túy đang được điều trị bằng Methadone. Mỗi năm có khoảng 3.000.000 người được xét nghiệm HIV; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm...