Nên xem lại mình
(ANTĐ) - Tuần báo nổi tiếng Business Week của Mỹ vừa mới công bố một thông tin gây nhiều tranh cãi: Danh sách 20 thành phố có môi trường làm việc tệ nhất thế giới. Đáng chú ý là Hà Nội và TP.HCM đều nằm trong danh sách “đen” này. Hai thành phố của Việt Nam bị liệt vào thứ 9 và 11 về vấn đề dịch bệnh và vệ sinh, thiếu cơ sở y tế chất lượng, cơ sở hạ tầng, khí hậu, ô nhiễm và tình trạng tội phạm.
Danh sách trên được ORC Worldwide, một công ty chuyên về nguồn nhân lực và chính sách nhân lực, trụ sở tại New York soạn thảo. Những tiêu chuẩn mà ORC dùng để xếp hạng gồm có mức độ ô nhiễm, dịch bệnh, sự sẵn có của hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, vì không chứng minh được tính khoa học của một danh sách nên những nhận định rất dễ nhìn nhận dưới con mắt chủ quan và thiển cận, “danh sách 20 thành phố” gặp phải sự phản đối dữ dội từ đa số bạn đọc trên khắp thế giới. Hàng trăm người, từ góc độ và cảm nhận riêng, đã phản đối sự thiếu thông tin và không chính xác của danh sách này.
Hãy nghe Business Week miêu tả về TP.HCM: Những người nước ngoài làm việc ở đây có thể thấy ngột ngạt của khí hậu nóng bức và ẩm ướt. Nhưng thách thức lớn là dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, thiếu cơ sở y tế cơ sở hạ tầng, giao thông nguy hiểm và tội phạm”. Bản thân giới doanh nhân nước ngoài sống ở Hà Nội, TP.HCM cũng phải lên tiếng phản ứng mạnh mẽ.
Họ cho rằng, thật nực cười khi lấy yếu tố khí hậu để đánh giá xếp hạng môi trường làm việc. Rất nhiều người yêu thích khí hậu có nắng quanh năm ở TP.HCM, cũng như không khí mát mẻ, dễ chịu ở Hà Nội. Bản thân ông Chủ tịch EuroCham thừa nhận: “Tôi đã sống 25 năm ở nước ngoài, trong đó có 7 năm ở Việt Nam và không hề thấy Hà Nội và TP.HCM nằm trong số những thành phố tệ nhất thế giới”.
Ông cho rằng tình trạng dịch bệnh và vệ sinh đã được cải thiện khá trong mấy năm qua. Cơ sở y tế cũng tốt hơn với sự có mặt của một số bệnh viện quốc tế. Hầu như không có tội phạm đối với người nước ngoài sống ở đây. Ông luật sư Mỹ đã sống nhiều năm ở Việt Nam, nhận xét rằng, bảng danh sách đánh giá dựa trên các yếu tố khí hậu, vệ sinh hay tội phạm đã bị “trầm trọng hóa”.
Điểm đáng khích lệ về môi trường làm việc ở đây là sự thân thiện của người dân, tỷ lệ tội phạm thấp... Hẳn nhiên đây không phải là những lời “đãi bôi” lấy lòng nhau. Những người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam cũng không sợ “mất lòng” nói thẳng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tệ ở Hà Nội và TP.HCM. Ô nhiễm rác thải; phế thải, nước thải.
Giao thông ùn tắc hầu như không có lối thoát. Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn đến ngập úng triền miên, kẹt xe gần như trên mọi tuyến đường đô thị. Cả hai thành phố lớn và đông dân nhất cả nước đang đứng trước những thách thức lớn phải nhanh chóng cải thiện rất nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường, hệ thống giao thông, cấp thoát nước và vệ sinh.
Mặc dù có phần bị “oan ức” khi bị xếp vào tốp 20 thành phố có môi trường làm việc tệ nhất thế giới, song có lẽ cả hai thành phố lớn của Việt Nam cũng nên xem lại mình. Nói một cách “giữa dạ”, so với một số đô thị lớn của các nước trong khu vực, quả thật Hà Nội và TP.HCM chưa thể sánh được về nhiều phương diện. Còn lâu mới có thể được xếp hạng danh sách 20 thành phố có môi trường làm việc tốt nhất thế giới, song chí ít cũng không đến nỗi bị liệt vào bảng danh sách không lấy gì làm vinh dự như vậy, dù bị “xếp nhầm”.
Đan Thanh