Nên giao lại thi hành án dân sự cho tòa

ANTĐ - Ngày 3-11, Quốc hội tập trung nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu do vấn đề tồn đọng thi hành án dân sự hiện đang gây bức xúc.

Nên giao lại thi hành án dân sự cho tòa ảnh 1Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 3-11. Ảnh: Phú Khánh

Người dân không cần làm đơn

Về quyền yêu cầu thi hành án, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng: Hiện nay luật quy định là Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành bản án khi có đơn yêu cầu và cơ quan thi hành án chỉ có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành án trong một số trường hợp. Đây là điều không hợp lý bởi Hiến pháp đã quy định rõ, khi bản án của tòa có hiệu lực pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu chỉ làm khi có yêu cầu thì chưa phù hợp với Hiến pháp, chưa thực sự chủ động bảo vệ  quyền lợi của công dân, đồng thời làm tăng thêm tình trạng tồn đọng án. Bởi vậy, đại biểu đề nghị cơ quan thi hành án có nhiệm vụ chủ động ra quyết định thi hành án trong tất cả các trường hợp trừ khi đã hết thời hiệu. 

Đối với việc xác minh tài sản, thu nhập của người phải thi hành án thực tế thường không dễ dàng. Người phải thi hành án có thể cư trú ở những địa bàn khác nhau, tài sản có thể nằm ở nhiều địa phương khác nhau và cũng có thể ở nước ngoài. Mặt khác, người phải thi hành án thường có những hành vi tẩu tán tài sản, che giấu nguồn thu nhập. Vì vậy trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, nếu không có sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của cơ quan tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của chính quyền sở tại thì sẽ rất khó khăn. “Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện trong quá trình xác minh tài sản của chính quyền sở tại đối với cơ quan thi hành án”, ĐB Tô Văn Tám nêu ý kiến. 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu H`Yim Kđoh (Đắk Lắk) nêu quan điểm: Vấn đề trách nhiệm xác minh thi hành án hiện nay, nếu để công dân xác minh được điều kiện của người phải thi hành án là cực kỳ khó khăn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực tế người dân vẫn còn thói quen mua, bán trao tay, nhiều tài sản khi chuyển nhượng không qua cơ quan quản lý đăng ký chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng, quyền sở hữu thì việc xác minh để xác định chủ sở hữu, chủ sử dụng thực sự là rất gian nan. Đó là chưa nói đến, với những thủ tục hành chính như hiện nay, việc xác minh tài sản của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, thì đối với cơ quan thi hành án dân sự cũng còn khó khăn chứ chưa nói đến người dân. Do đó, trách nhiệm xác minh phải thuộc về cơ quan thi hành án. Công dân, tổ chức có thể cung cấp thông tin về tài sản nếu có. 

 Một công đôi việc

Trong khi đó ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại có ý kiến đề xuất liên quan đến các đối tượng phải thi hành án là những người phạm các tội về ma túy, án dài 10, 20 năm, chung thân thậm chí đã tử hình hoặc là những người nghiện ma túy phạm tội. Theo đại biểu, các đối tượng này hiện tại và trong tương lai đều không có khả năng thi hành án hoặc có khả năng thì cũng không tự nguyện mang nộp án phí sau khi ra tù. Số tiền án phí rất ít, cưỡng chế thi hành lại không đáng, nhưng cơ quan thi hành án vẫn phải thụ lý rồi tiến hành xác minh 1 năm 2 lần, để rồi khi đủ thời gian quy định là xét miễn, giảm. Có trường hợp cán bộ thi hành án phải bỏ tiền của mình nộp thay cho bị cáo vừa để hoàn thành chỉ tiêu, vừa đỡ mất thời gian đi xác minh mà biết chắc là không thu được. Đây sẽ là một vòng luẩn quẩn không thể chấm dứt được nếu không có sự thay đổi căn bản về cách nhìn nhận quy định này.

Cũng theo ĐB Phạm Xuân  Thường đề nghị, nên giao lại công tác thi hành án dân sự cho tòa án như trước năm 1994. Bởi vì xét xử, thi hành án vốn là hai nội dung thống nhất của một quá trình tố tụng, công tác thi hành án được khởi động ngay từ khi thụ lý. Do vậy, tách trách nhiệm của tòa án, tức là cắt khúc tố tụng như vậy sẽ kém hiệu quả. Nếu trả lại chức năng  thi hành án dân sự cho tòa án thực hiện sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Ngoài ra, công tác thi hành án sẽ được bổ sung một “đội quân tinh nhuệ” khoảng 7.000 - 8.000 người là các Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán, Thư ký, cán bộ thi hành án hình sự từ tòa án mà nhà nước không phải tăng biên chế, không phải chi ngân sách. Ngược lại, tòa án nhân dân cũng được bổ sung một nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án, mà không phải lo đào tạo, bồi dưỡng. Việc này không tăng biên chế mà còn có thể cắt giảm số người đang làm công tác thi hành án dân sự hiện nay. Ngoài ra, giao công tác thi hành án cho tòa án sẽ giảm tối đa các vụ việc án tuyên không rõ ràng.