Náo nức ngày hội khai trường

ANTĐ - Ngay ngày khai giảng, hàng triệu gia đình đưa con em tới trường với nhiều hy vọng và mong muốn tốt đẹp. Sẽ không còn những diễn văn, không có những báo cáo thành tích dài lê thê, mà khai giảng thực sự là ngày hội, trong một môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, bình đẳng. Ở đó, trường học “mở” hơn, mới hơn để học sinh có thể phát triển toàn diện.  

Náo nức ngày hội khai trường ảnh 1Học sinh trường Lương Thế Vinh, Hà Nội tập hát Quốc ca phục vụ lễ khai giảng (Ảnh chụp 4-9) Ảnh: PHÚ KHÁNH

Bà Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Từ Liêm: Sẽ không còn diễn văn báo cáo thành tích

Với tinh thần đổi mới, tập trung vào học sinh, lễ khai giảng năm nay của trường Tiểu học Nam Từ Liêm sẽ bắt đầu với lời tuyên bố khai giảng của Hiệu trưởng thay cho bài diễn văn dài dòng theo khuôn thước cũ. Không kể lại những thành tích đạt được của thầy cô giáo, của nhà trường các năm học trước, Hiệu trưởng chỉ phát biểu ngắn gọn với mục tiêu tạo động lực cho toàn trường bước vào năm học mới. Học sinh tiểu học rất thích các hoạt động văn nghệ, thể thao, bởi vậy việc hạn chế các bài phát biểu dài dòng, sẽ phù hợp với học sinh hơn trong ngày khai giảng. Tuy nhiên, tôi cho rằng không thể thiếu các nghi lễ trang trọng mà các em cần tham gia như chào cờ, hát Quốc ca… Khung cảnh nhà trường trong ngày này cũng rất quan trọng. Nếu được trang hoàng vui tươi, nhiều màu sắc sẽ tạo cho các em ấn tượng đẹp ngay trong những ngày đầu tiên đến trường.

Bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An: Hoàn thiện dự án trường học thân thiện, an toàn, bình đẳng

Năm học mới sẽ được thầy và trò trường THPT Chu Văn An khởi đầu bằng một lễ khai giảng ý nghĩa. Chúng tôi xây dựng chương trình với mục tiêu hướng tới học sinh chứ không phải là một hoạt động nhằm thực hiện các nghi lễ. Bài diễn văn của Hiệu trưởng năm nay sẽ chỉ là một lời tuyên bố khai giảng năm học mới. Năm học này, ngoài những nỗ lực về dạy và học kiến thức môn học phổ thông, thầy và trò chúng tôi sẽ tập trung triển khai thật tốt dự án trường học thân thiện, an toàn, bình đẳng. Đây là một dự án có tính nhân văn, giúp các em học sinh lứa tuổi vị thành niên hoàn thiện kiến thức xã hội toàn diện cùng với trang bị kiến thức học thuật.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú: Khách quan trong thu chi, phụ huynh sẽ ủng hộ

Bên cạnh sự phấn chấn khi bước vào năm học mới, vấn đề gây không ít băn khoăn cho phụ huynh học sinh chính là các khoản thu chi. Để hoạt động của nhà trường được thông suốt thì rất cần có sự ủng hộ của phụ huynh. Yêu cầu xã hội hóa trong giáo dục là tất yếu nhưng làm thế nào để không gây hiểu nhầm, phản ứng trong xã hội thì không dễ. Kinh nghiệm từ nhiều năm quản lý nhà trường tôi thấy rằng, với các khoản thu, chi ngoài học phí nhưng nhà trường chứng minh rõ là để đầu tư cho học sinh thì phụ huynh sẽ không phản đối. Việc lắp đặt điều hòa, mua sắm thiết bị học tập… nếu không tập trung vào một thời điểm đầu năm và được công khai thu chi hợp lý thì phụ huynh sẽ sẵn sàng ủng hộ khi con mình có được môi trường học tập tốt hơn. 

Ông Bùi Thế Hoạt, Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường THCS Ngô Sỹ Liên: Trường học cần “mở” hơn để học sinh phát triển toàn diện

So sánh giữa giáo dục Việt Nam và các nước tiên tiến có thể thấy, các trường học ở nước ta còn nặng về dạy văn hóa mà ít có điều kiện tổ chức hoạt động ngoại khóa, phát triển toàn diện các kỹ năng, năng lực của học sinh. Trường của con tôi nổi tiếng về rèn luyện văn hóa, đạo đức, tính kỷ luật… nhưng tôi vẫn mong muốn nhà trường đưa vào các hoạt động ngoại khóa khác, để các con có thể phát triển toàn diện năng lực vận động, nghệ thuật, sáng tạo cũng như kỹ năng, lối sống… Đơn cử như hoạt động của Trung tâm tư vấn Tuổi hồng của nhà trường. Các con lứa tuổi THCS đang phát triển rất nhanh, tiếp thu nhiều thông tin và cần có định hướng để xử lý đúng. Hoạt động tư vấn này là cấp thiết vì phần lớn gia đình Việt Nam ít có thói quen hay điều kiện làm bạn với con nên đều mong mỏi nhà trường hỗ trợ trong lĩnh vực này. 

Bà Phan Như Nguyệt, Phụ huynh trường quốc tế BVIS: Hãy để các con được tự khám phá ngôi trường của mình

Đã có dịp tiếp cận với nhiều trường học các nước, tôi thấy nghi thức mở đầu năm học mới mỗi nơi một khác. Tuy nhiên, điểm chung giữa các trường ở những nước tiên tiến là các con khi lần đầu tiên vào trường sẽ được tập trung tại trường để nghe Hiệu trưởng chào mừng học sinh mới với thời gian rất ngắn gọn, bởi tâm lý học sinh, nhất là học sinh nhỏ tuổi thường khó có thể ngồi tập trung một chỗ quá lâu… Sau đó, các con được gợi mở để tự làm quen, hòa đồng với ngôi trường mới trong sự hỗ trợ của thầy cô và các anh chị khóa trước. Tôi cho rằng, việc tổ chức khai giảng năm học mới của các trường trong nước cũng nên theo xu hướng ngắn gọn, đơn giản và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động tìm hiểu, làm quen giữa học sinh mới đến trường và các anh chị học sinh lớp lớn.

Dành thời gian để các con tự thể hiện

Náo nức ngày hội khai trường ảnh 2
Tại lễ khai giảng, các em học sinh lớp 1 sẽ được tặng phần quà là đồ dùng học tập và lá thư từ cô Hiệu trưởng. Tôi muốn gửi vào đó tất cả những tình cảm yêu thương, chân thành mong muốn các con sẽ trở thành những học sinh chăm ngoan, tạo niềm hứng khởi cho các con khi bước vào năm học mới. Những ký ức thời học sinh luôn theo tôi đến tận bây giờ, vì vậy tôi muốn tổ chức cho các con một lễ khai giảng hết sức có ý nghĩa, không nặng về phần lễ, không có những bài diễn văn dài dòng, lê thê, mà dành thời gian mà dành thời gian cho các con tự thể hiện.

Bà Phạm Thị Yến, 
HIệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B


Chú trọng phần đón học sinh lớp 1

Mọi năm, có phần phát biểu của đại biểu, và tặng quà cho học sinh nghèo nhân dịp năm học mới. Năm nay lễ khai giảng của nhà trường sẽ rút phần đó, tăng thời gian cho phần hội và chú trọng vào phần đón học sinh lớp 1.

Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, 
Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An