‘Nâng’ ý thức các hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chế tác thành phẩm ngà voi…chui

ANTD.VN - CAH Thường Tín, Hà Nội phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các ngành chức năng của huyện đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân không buôn bán, vận chuyển, chế tác, kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ làm từ bộ phận của động vật hoang dã, đặc biệt là các sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác.

“Ngành nghề liên quan trực tiếp đến loại hình này là 2 xã Nhị Khê và Hòa Bình, với khoảng 700 hộ sản xuất, kinh doanh. Một bộ phận hộ dân lâu nay vẫn có tâm lý trục lợi, lén lút sản xuất, mua bán sản phẩm bị cấm”, Trung tá Ngô Phúc Thành – đội trưởng đội Cảnh sát kinh tế - ma túy CAH Thường Tín chia sẻ.

Nhức nhối vi phạm

Trung tuần tháng 8 vừa qua, sau thời gian xác lập chuyên án đấu tranh, phòng CS Môi trường - CATP Hà Nội phối hợp với Đội Thanh tra Pháp luật  - Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội, đã bắt quả tang 2 đối tượng Lê Chí Thuận (SN 1960) và Nguyễn Hữu Tiến (SN 1983), cùng trú tại xã Nhị Khê, có hành vi sản xuất, mua bán số vật phẩm ngà voi lên tới gần 180 kg.

Tang vật và đối tượng sản xuất, mua bán thành phẩm ngà voi bị Công an Hà Nội bắt giữ

Theo tài liệu trinh sát, từ nhiều nguồn thu gom khác nhau, cặp đôi Thuận – Tiến đã có được nhiều mảnh, đoạn ngà voi, rồi mang về xưởng, lén lút cưa, mài chế tác thành phẩm, bán kiếm lời. Chỉ huy đội Cảnh sát kinh tế - ma túy CAH Thường Tín cho biết, hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm, song không chỉ Thuận, Tiến mà nhiều cá nhân, thời gian qua lợi dụng tích chất của làng nghề tiện gỗ, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ (xã Nhị Khê); sản xuất, gia công sừng thủ công mỹ nghê (xã Hòa Bình), đã”tranh thủ” kiếm lời bất chính bằng việc mua bán, chế tác sản phẩm ngà voi, sừng tê giác. “Việc cố tình vi phạm pháp luật này gây bức xúc dư luận người dân làng nghề, đặc biệt đã và đang ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu nghề truyền thống”, Trung tá Ngô Phúc Thành nhìn nhận.

Đầu năm 2018, theo thống kê của CAH Thường Tín, có ít nhất 2 vụ việc – 2 đối tượng có hành vi vi phạm tương tự đã bị CAH phát hiện, xử lý. Trường hợp đầu tiên là Dương Thị Mai (SN 1984, trú ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín), bị lực lượng CSKT CAH phối hợp cùng CAP Thành Công, quận Ba Đình bắt quả tang mang đi giao vật phẩm chế tác từ ngà voi (bộ quân cờ tướng, bộ ấm chén) cho khách tại phố Láng Hạ. Khám xét khẩn cấp nhà Mai, cơ quan Công an thu giữ thêm nhiều thành phẩm cũng được làm từ ngà voi.

Một tuần sau sự việc trên, CAH Thường Tín phối hợp với cục nghiệp vụ Bộ Công an và các phòng CSKT, CS Môi trường – CATP, làm rõ hành vi tàng trữ, mua bán trái phép sản phẩm từ ngà voi của Đinh Thị Nhượng (SN 1966, trú tại xã Nhị Khê). Cơ quan Công an thu giữ tang vật tổng trọng lượng khoảng 971 kg ngà voi.

Đấu tranh -  bóc gỡ các đường dây, chú trọng tuyên truyền

Theo Thượng tá Nugyễn Văn Phiên – Phó trưởng CAH Thường Tín, trước kia, thời điểm hoạt động mua bán, sản xuất thành phẩm ngà voi còn diễn biến phức tạp, tại địa bàn xuất hiện các đối tượng móc ngoặc, liên kết với các đường dây buôn bán, vận chuyển ngà voi xuyên quốc gia để tìm mua nguyên liệu các một số nước Châu Phi, rồi ngụy trang trà trộn trong các loại hàng hóa được phép nhập khẩu, đưa về Việt Nam. Sau đó, hàng được tập kết, xé nhỏ vận chuyển đến các làng nghề phía Bắc, trong đó có Nhị Khê, Hòa Bình. Tại đây, ngà voi được cắt xẻ, chế tác thành các đồ trang sức hoặc trực tiếp bán kiếm lời.

Nhìn nhận những khó khăn khách quan trong công tác đấu tranh, xử lý, chỉ huy CAH Thường Tín cho biết, do làng nghề hình thành từ lâu, vì vậy, ý thức tố giác tội phạm của người dân chưa cao, thậm chí có người vẫn “nặng” tâm lý làng xã, trọng tình hơn trọng  lý. Bên cạnh đó, việc buôn bán, chế tác các sản phẩm từ ngà voi mang lại lợi nhuận lớn, trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều cá nhân bất chấp, vi phạm pháp luật để kiếm lời.

Từ thực trạng đó, CAH Thường Tín phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, lên danh sách các địa bàn, tuyến trọng điểm về buôn bán, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã; tăng cường đấu tranh, xử lý; đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho người dân, tổ chức ký cam kết cho các hộ sản xuất, kinh doanh “nói không” với những vi phạm liên quan đến sản phẩm từ động vật hoang dã.

“Thành công của Kế hoạch mà CAH đang triển khai không thể thiếu nhận thức và sự ủng hộ của người dân. Chúng tôi đang muốn chuyển tải một thông điệp: Hãy biết nâng niu; đừng vì lợi ích nhỏ trước mắt mà ảnh hưởng, đánh mất giá trị của làng nghề”, Thượng tá Nguyễn Văn Phiên bày tỏ.