Nâng tuổi nghỉ hưu: Phải tránh "cào bằng" đối tượng

ANTD.VN - Cho dù, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra một lộ trình điều chỉnh chậm để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động nhưng nhiều chuyên gia lo ngại, nếu tăng tuổi hưu theo kiểu đổ đồng, công nhân trực tiếp sản xuất sẽ khó có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu.

Người lao động đang về hưu sớm hơn so với quy định của pháp luật hiện hành

Tại dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, cơ quan soạn thảo đề xuất, từ năm 2021 điều chỉnh tăng tuổi hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ, tiến hành theo lộ trình.

Trong đó, phương án 1 quy định, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động người lao động trong điều kiện bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ.

Đến thời điểm này, đa số các ý kiến ủng hộ đều thống nhất chọn phương án 1, tăng theo lộ trình chậm để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động.

Theo ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), nếu được Quốc hội thông qua, theo phương án 1, từ năm 2021, tuổi hưu của lao động nam và nữ sẽ tăng 3-4 tháng/năm. Nghĩa là đến năm 2028 và 2035, lần lượt mới có những lao động nam và lao động nữ nghỉ hưu đúng mốc tuổi 60 và 62.

Thừa nhận việc tăng tuổi hưu là xu thế của nhiều ngày nghề, tuy nhiên Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, phải tính toán lại đối với các ngành nghề đặc thù, nhiều đối tượng làm việc trực tiếp trong môi trường nặng nhọc, độc hại không thể làm việc tới tuổi 60 hoặc 62.

Dự thảo Bộ luật Lao động có nói người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn; nhưng công nhân làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp lại không thuộc đối tượng này. Thực tế hiện nay không có lao động trực tiếp về nghỉ hưu đúng tuổi, chủ yếu nghỉ sớm với mức lương hưu rất thấp. 

Tương tự, cũng có ý kiến phản biện cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động  sửa đổi cũng đã tính đến trường hợp cho lao động mất sức quyền được nghỉ hưu sớm (không quá 5 năm) nhưng lại không nói rõ, họ có được hưởng tối đa phần trăm lương hưu. Vì thế, nhiều người lo ngại, nếu cơ quan soạn thảo không đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể cho từng đối tượng, thì công nhân lao động trực tiếp sẽ thiệt thòi.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu nam 60 và nữ 55 nhưng bình quân tuổi làm việc của cả hai giới mới đạt 54 tuổi. Rõ ràng người lao động đang về hưu sớm hơn so với quy định của pháp luật hiện hành.

Trong bối cảnh, nguồn nhân lực của chúng ta đang giảm và theo xu hướng chung về già hóa dân số, Việt Nam sẽ thiếu nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Điều chỉnh tăng tuổi hưu là phương án tối ưu hóa nguồn lực. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý phải có tính toán kỹ càng.

“Đến một lúc nào đó, người lao động sẽ làm việc đến tuổi 60 hoặc 62 nhưng trong hiện tại chúng ta chưa đủ điều kiện để làm việc đó. Trong khi đó, quá trình già hóa dân số của sẽ kéo dài trong nhiều năm, phải đến năm 2049, Việt Nam mới như Nhật Bản hiện nay. Như vậy, chúng ta có chặng đường dài để điều chỉnh. Khi nào, thuận lợi thì điều chỉnh và việc điều chỉnh phải đảm bảo nguyện vọng, lợi ích và mong mỏi của người dân.

Cho nên, Bộ LĐTB&XH cần tiếp tục lấy ý kiến về vấn đề này. Bên cạnh đó cần tính toán, xác định nhóm ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhóm nặng nhọc độc hại nguy hiểm...

Nếu có thể thì tách bạch theo từng lĩnh vực đang thu hút lượng lao động lớn như da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử để các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động có thể xem xét, đối chiếu” - ông Bùi Sỹ Lợi nêu giải pháp.