Nâng tuổi nghỉ hưu "cứu" quỹ bảo hiểm xã hội?

ANTD.VN - Nâng tuổi nghỉ hưu được xem là một trong những giải pháp nhằm tránh nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là giải pháp tối ưu.

Nâng tuổi nghỉ hưu "cứu" quỹ bảo hiểm xã hội? ảnh 1Nâng tuổi nghỉ hưu là một trong số những giải pháp nhằm tránh nguy cơ

mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội

Theo dự báo của các cơ quan chức năng trong nước cũng như các tổ chức nước ngoài, quỹ hưu trí của Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Một số dự báo cho rằng, thời điểm quỹ bị mất cân đối có thể rơi vào năm 2031 hoặc chậm hơn một chút nếu có sự điều chỉnh trong chính sách. Các chuyên gia cho rằng, hầu hết các nước nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi, trong khi ở Việt Nam, trung bình độ tuổi nghỉ hưu lại thấp hơn. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay được quy định là 60 đối với nam, 55 đối với nữ, độ tuổi này đã duy trì từ năm 1960.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, nguy cơ mất cân đối quỹ chủ yếu do quan hệ đóng - hưởng. Việc này không chỉ có mỗi Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới đều gặp phải. 

Điều này cũng được ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phân tích rõ, hiện nay, mức đóng BHXH tiếp tục giữ nguyên từ Luật BHXH năm 2006. Trong đó, quỹ hưu trí tử tuất, người sử dụng lao động đóng 14% và người lao động đóng 8%, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người sử dụng lao động đóng 1%, quỹ ốm đau, thai sản người sử dụng lao động đóng 3%. 

Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm nhiều quyền lợi đối với người hưởng, đặc biệt chế độ thai sản hay tăng mức hưởng chế độ BHXH một lần... “Mức thu không tăng trong khi mức chi tăng dẫn đến các quỹ sớm mất cân đối là tất yếu”, ông Phạm Lương Sơn đánh giá. 

Trước một số thông tin cho rằng, vì chi phí quản lý của BHXH Việt Nam lớn nên phải tính đến giải pháp kéo dài tuổi nghỉ hưu để bảo đảm an toàn cho Quỹ BHXH, ông Phạm Lương Sơn khẳng định, vấn đề chi phí quản lý và việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không liên quan đến nhau. Việc BHXH Việt Nam cùng Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ để trình lên Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài tuổi nghỉ hưu thực chất là phục vụ cho việc bảo đảm vấn đề an toàn, lâu dài cho Quỹ Hưu trí của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá, một trong những giải pháp để tránh nguy cơ mất cân đối quỹ là nâng tuổi nghỉ hưu. “Nếu 1 người tham gia vào quỹ BHXH thêm 2 năm thì phần đó ít nhất trả cho lương hưu được 2 năm, đồng thời 2 năm không hưởng hưu trí nữa là 4 năm. Nhưng hiện nay mất cân đối khoảng 9 năm, cho nên dù có tăng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2 - 3 năm cũng chỉ giải quyết được 1 phần của chuyện mất cân đối”, ông Doãn Mậu Diệp phân tích.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin thêm, việc mất cân đối quỹ là vấn đề các nước trên thế giới đều gặp phải. Hiện nay, các nước hầu hết đều nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi. Thậm chí tại Pháp, người dân còn được phép tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian học đại học. 

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, để ổn định quỹ có 3 giải pháp là tăng mức đóng, giảm mức hưởng hoặc phải kéo dài thời gian tham gia. Trong đó, tăng mức đóng rất khó khăn, việc giảm quyền lợi là việc không nên làm. Vì thế, cần tính tới lộ trình thích hợp để kéo dài thời gian đóng thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu một cách hợp lý.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tăng tuổi hưu sẽ tăng sức ép về việc làm. Bên cạnh đó, cần phải xem xét yếu tố về sức khỏe, điều kiện môi trường làm việc của người lao động. Việc nâng tuổi hưu có thể được lợi cho quỹ nhưng sẽ bất lợi cho ngân sách Nhà nước.