Nâng cao kỹ năng tự bảo vệ của phóng viên khi tác nghiệp

ANTD.VN - Trong bối cảnh việc cản trở hoạt động báo chí và đe dọa, thậm chí hành hung nhà báo tác nghiệp có chiều hướng gia tăng, ngày 5-1-2018, Hội Nhà báo TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Kỹ năng tự bảo vệ của phóng viên khi tác nghiệp”. 

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ rõ, báo chí là lực lượng đi đầu, các nhà báo là những chiến sỹ xung kích trên “mặt trận” đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, dù tác nghiệp đúng quy định pháp luật, nhưng thời gian gần đây, không ít nhà báo đã và đang gặp nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc chống tiêu cực.

Chính vì vậy, kỹ năng tự bảo vệ khi tác nghiệp là vấn đề thiết thân đối với mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí. Người phóng viên cần phải nâng cao trình độ, nhận thức, trong tác nghiệp, cần đưa ra sự thật để bảo vệ đất nước và niềm tin của nhân dân.

Toàn cảnh hội thảo

Từ nhiều góc tiếp cận khác nhau, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng tập trung thảo luận 3 vấn đề gồm: Cơ chế bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp; Kỹ năng tự bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp; Mối quan hệ giữa việc cơ quan báo chí bảo vệ nhà báo và nhà báo tự bảo vệ khi tác nghiệp.

Nhà báo Khiếu Quang Bảo, Ban liên lạc các nhà báo cao tuổi đã có những giải nghĩa sâu sắc về sự nhọc nhằn của nghề báo. Trong đó, tham luận đưa ra những dẫn chứng cụ thể khi nghề báo là sự kết hợp giữa lao động cơ bắp, đầy nguy hiểm với lao động trí tuệ đầy sáng tạo và là hoạt động lao động đầy nghiêm túc, trách nhiệm, phản ánh sự thật cuộc sống.

Nhà báo Trần Hoàng Lan (Báo Phụ nữ Thủ đô) phát biểu tham luận

Xoay quanh vấn đề cơ chế bảo vệ nhà báo của các cơ quan báo chí, nhà báo Tống Ngọc Thanh, báo Hà Nội mới và nhà báo Trần Hoàng Lan, báo Phụ nữ Thủ đô đã có những chia sẻ về hoạt động nghiệp vụ của đơn vị mình. Trong đó, nhấn mạnh công tác trao đổi nghiệp vụ để hạn chế rủi ro giữ phóng viên và Ban biên tập từ khi lập kế hoạch thực hiện các tuyến bài điều tra, cho đến phương án xử lý đối với các tình huống có thể phát sinh khi phóng viên gặp phải những cản trở, bị hành hung... trong quá trình tác nghiệp.

Nhà báo Vi Hồng Tuấn, Báo ANTĐ chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp

Chia sẻ về quá trình tác nghiệp trong môi trường không an toàn, nhà báo Vi Hồng Tuấn, Báo An ninh Thủ đô đặc biệt nhấn mạnh đến văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp của phóng viên khi tiếp cận cơ sở, nguồn tin. “Nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc: “Thận trọng, khách quan, trung thực và tỷ mỉ”.

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô trong một lần tác nghiệp tại hiện trường

Làm nghề báo, viết báo phải xuất phát từ cái tâm và lòng dũng cảm. Cái tâm là đạo đức, lối sống, cách nhìn có tính nhân văn. Có tâm thì mới có thể phản ánh thông tin một cách trung thực, khách quan sự việc, hiện tượng, con người… không sử dụng những thủ thuật nhằm mục đích câu thính giả, độc giả một cách không trong sáng.

Còn lòng dũng cảm được hiểu là sự thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm; trước các đối tượng có hành vi đe dọa vừa bình tĩnh giải thích về công việc của mình là đúng pháp luật vừa khéo léo liên lạc với các lực lượng chức năng để hỗ trợ giải quyết.

Bên cạnh đó, các nhà báo, phóng viên và đặc biệt là những người làm công tác quản lý báo chí cần nhìn nhận, đánh giá đúng hạn chế, lệch lạc của hoạt động báo chí hiện nay. Tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí, nhà báo để thực hiện các hành vi vụ lợi, đe dọa cơ sở, vi phạm pháp luật, vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng đang diễn ra gây bức xúc trong xã hội.

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định thời gian tới, Hội Luật gia TP Hà Nội và Hội Nhà báo TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp trong công tác bảo vệ quá trình tác nghiệp

Tham gia trao đổi ý kiến cùng hội thảo, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho biết, các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích công dân nói chung, hoạt động của nhà báo nói riêng hiện tương đối đầy đủ. Các phóng viên cần trang bị cho mình kiến thức pháp luật để nâng cao quyền tự bảo vệ, đặc biệt là rèn luyện các kỹ năng để tự bảo vệ mình, từ đó tuân thủ pháp luật và dùng pháp luật để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, chứng cứ cũng như quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Bên cạnh việc tự bảo vệ, được cơ quan báo chí bảo vệ thì các nhà báo cũng cần nâng cao hơn nữa công tác phối hợp, tham vấn với luật sư để nắm vững hơn các quy định của pháp luật, các kỹ năng điều tra, xử lý thông tin để bảo vệ hoạt động tác nghiệp của mình.

Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong hoạt động tác nghiệp, để mỗi nhà báo hoàn thành tốt hơn những chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ông Nguyễn Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội khẳng định: Nghề báo vinh quang, nhưng nhọc nhằn và đầy nguy hiểm

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội khẳng định, nghề báo vinh quang, nhưng nhọc nhằn và đầy nguy hiểm. Để bảo vệ mình, các phóng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nắm vững pháp luật cũng như quy định đạo đức nhà báo.

Bản thân các cơ quan báo chí cần xây dựng quy trình bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp. Bên cạnh đó, kỹ năng ứng xử có văn hóa sẽ giúp tạo niềm tin nơi cơ sở, giúp phóng viên có thể đạt được mục đích trong quá trình tác nghiệp.

Qua hội thảo này, các liên chi hội cần tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi nghiệp vụ tại đơn vị, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm nghề nghiệp trong mỗi phóng viên.

Hội thảo đã góp phần đề cao trách nhiệm của cơ quan báo chí bảo vệ nhà báo và bảo vệ nguồn tin, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp cũng như nâng cao kỹ năng tự bảo vệ của nhà báo khi tác nghiệp trong môi trường không an toàn, góp phần bảo đảm môi trường hoạt động nghề nghiệp an toàn cho nhà báo.