Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử

ANTĐ - Nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (TTHS) và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS theo quy định của pháp luật, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Giám đốc CATP Hà Nội (ĐBQH - TP Hà Nội) khẳng định: “Báo cáo được thực hiện công phu, nghiêm túc, đánh giá tương đối chi tiết về tình hình oan, sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS theo quy định của pháp luật. Đây là tài liệu rất tốt để các cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong TTHS”. 

Cần nêu rõ nguyên nhân khách quan dẫn đến oan, sai

Đóng góp ý kiến để làm rõ hơn một số điểm trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của UBTVQH về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, TTHS và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS theo quy định của pháp luật, trong vấn đề “Việc bắt, tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp phải chuyển xử lý hành chính…”, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng những năm qua, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ việc, đối tượng phạm tội và tính chất, mức độ nguy hiểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nhiều vụ vi phạm pháp luật có đông người tham gia; việc phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, ĐBQH TP Hà Nội tham gia góp ý tại phiên thảo luận sáng 5-6 của Quốc hội

Xuất phát từ tình hình đó, việc bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển thành hành chính được áp dụng theo đúng quy định của pháp luật là rất cần thiết, chủ yếu trong các trường hợp bắt người có hành vi phạm tội quả tang như: các vụ việc phạm tội có đông người tham gia, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, đua xe trái phép… Việc tiến hành tạm giữ để có thời gian xác minh, phân loại, xác định chính xác hành vi vi phạm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần phải nhìn nhận việc tạm giữ là đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương. Theo đó, ĐB Nguyễn Đức Chung đề nghị cần bổ sung phần đánh giá nêu trên, tránh gây hiểu nhầm là thiếu sót, vi phạm của cơ quan điều tra.

Về các vấn đề “Trong kỳ giám sát có gần 5.000 bị can phải đình chỉ điều tra, và những trường hợp đình chỉ điều tra là có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm”, ĐB Nguyễn Đức Chung nêu: Theo Điều 25 Bộ luật hình sự, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, hoặc trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự. ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Báo cáo đánh giá những trường hợp đình chỉ điều tra là có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm là chưa thực sự thỏa đáng”, và phân tích trong trường hợp khi có căn cứ theo quy định của Điều 25 Bộ luật hình sự, thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và việc đình chỉ điều tra trong những trường hợp này là đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, theo Điều 105 Bộ luật TTHS, trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa, thì vụ án phải được đình chỉ.

Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, cần tách bạch số liệu đình chỉ điều tra vụ án theo quy định tại Điều 105 Bộ luật TTHS để nhận định, đánh giá cho phù hợp hơn và bảo đảm khách quan. Đề nghị phải nêu rõ hơn nguyên nhân khách quan dẫn đến oan, sai trong TTHS là xuất phát từ hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng, ĐB Nguyễn Đức Chung trao đổi: Luật giám định tư pháp đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, nhưng thực tiễn áp dụng còn nhiều vướng mắc, tồn tại về thời hạn thực hiện việc giám định đối với một số lĩnh vực chuyên ngành như trong xây dựng cơ bản; giao thông (cầu, đường); tài chính; kế toán; pháp y tâm thần… và khi có yêu cầu giám định, thời gian giám định thường bị kéo dài. Vấn đề này đã nhiều lần được kiến nghị, đề xuất song vẫn chưa được giải quyết.

 Bổ sung cán bộ cho cơ quan điều tra các cấp

Liên quan đến vấn đề thiếu sót trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng tuy còn có nhiều khó khăn khách quan, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã nỗ lực, cố gắng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm.
Nêu con số vừa qua, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận, giải quyết được 296.688 đơn tố giác, tin báo về tội phạm và số vụ đã khởi tố điều tra là 219.506 vụ, ĐB Nguyễn Đức Chung nhận xét kết quả này đã vượt chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết số 37 (ngày 23-11-2012 của Quốc hội) về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Theo đó, báo cáo Giám sát cần nêu bật thành tích của các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm để cử tri cả nước nhận thức được đầy đủ, toàn diện hơn kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong bộ máy Nhà nước theo chỉ đạo của Quốc hội. Đồng thời động viên, khuyến khích CBCS làm công tác điều tra tội phạm và đề cao, cảm ơn nhân dân là chủ thể quan trọng nhất trong việc cung cấp tin báo, tố giác tội phạm, giúp đỡ các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phòng, chống tội phạm.

Về vấn đề cơ quan điều tra còn để quá hạn tin báo tố giác tội phạm, ĐB Nguyễn Đức Chung phân tích trung bình hàng năm, điều tra viên các cấp phải tiến hành thụ lý, điều tra từ 12 - 15 vụ án và tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm điều tra viên các cấp phải tiến hành thụ lý, điều tra khoảng 30 vụ án/ năm. Bên cạnh đó, họ còn phải tham gia giải quyết nhiều công việc khác và đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng để quá hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm.
ĐB Nguyễn Đức chung đề nghị cần tính toán, có kế hoạch bổ sung cán bộ cho cơ quan điều tra các cấp bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, để đảm nhiệm tốt nhiệm vụ được giao trong phát hiện, tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và điều tra xử lý tội phạm.

Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, nhiều tin báo, tố giác tội phạm có tính chất phức tạp; quá trình kiểm tra, xác minh gặp nhiều khó khăn, ở nhiều địa phương khác nhau; thời gian giám định, định giá kéo dài. Vì vậy, việc để quá hạn trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn có yếu tố khách quan.
Một khó khăn khác là nhiều trường hợp cá nhân báo tin về tội phạm, cơ quan điều tra mất nhiều thời gian xác minh thì đó chỉ là vi phạm nhỏ, thậm chí là sự việc không có thật. Vấn đề này cần được nghiên cứu để có quy định về quyền, nghĩa vụ của người báo tin, tố giác về tội phạm, tránh tình trạng báo tin không chính xác, hoặc báo tin về sự việc không có thật làm mất thời gian của các cơ quan chức năng.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP Hồ Chí Minh: Hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công an
Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ảnh 2
Bộ trưởng Trần Đại Quang đã chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự hiện nay và nêu rõ những nỗ lực của lực lượng công an nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng này và đưa ra những biện pháp cụ thể để giảm oan, sai. Những ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an rất sát với chủ đề Quốc hội giám sát về tình trạng oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. 
Chúng tôi và cử tri rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công an đã quan tâm đến vấn đề này, chỉ đạo lực lượng công an với những biện pháp cụ thể. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo cao nhất của ngành Công an, tới đây sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nói riêng của lực lượng công an. 

ĐB Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (đoàn Hòa Bình): Tránh oan sai, không bỏ lọt tội phạm

Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ảnh 3
Phát biểu của ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội trong phiên thảo luận ở hội trường về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, rất sâu sát trong nghiệp vụ và những trăn trở của đồng chí Giám đốc về tình hình nêu trên trong thời gian qua. 

Mặc dù tỷ lệ oan, sai rất thấp, song tính chất vấn đề lại rơi vào từng vụ việc, từng cá nhân, từng gia đình. Vì vậy, để giảm đến mức tối đa, tiến tới không xảy ra oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chức năng của CATP thực hiện nghiêm túc lĩnh vực công tác này, nhất là trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhằm tránh oan, sai, đồng thời không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo  ANTT trên địa bàn. 

Tôi tin tưởng rằng, từ thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm, tâm huyết với nghề, đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội sẽ có nhiều giải pháp mới để đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Hà Hoàng (Ghi)